(Quanlynhanuoc.vn) - Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn của dân tộc ta. Truyền thống hiếu học đã là một nhân tố quan trọng xây dựng nên trí tuệ, đạo đức, nền văn hóa Việt Nam, góp phần không nhỏ vào sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Hiếu học - giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam
Lịch sử dân tộc đã từng biết đến rất nhiều tấm gương hiếu học của các bậc hiền tài, đức cao đạo trọng, như: Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh… và còn rất nhiều ông đồ Nghệ - những người đã làm nên cốt cách Hồng Lam…
Người hiếu học là người có nhu cầu học tập suốt đời, bởi sự học như chiếc thang không nấc và cũng như người đi trên con thuyền ngược dòng, chỉ có tiến lên phía trước, chứ không được phép dừng lạibởi đứng lại đồng nghĩa với tụt hậu. Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Ngay sau đó, Người đặc biệt quan tâm việc nâng cao văn hóa để chấn hưng và phát triển đất nước.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra sáu vấn đề cấp bách quan trọng nhất, trong đó có vấn đề nạn dốt. Người chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”1. Vì vậy, Người đề nghị mở chiến dịch: “chống nạn mù chữ” thể hiện một nhận thức, một tư tưởng cách mạng, mang tầm vóc thời đại khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời bắt đầu sự nghiệp lãnh đạo đất nước vừa thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến.
Ngày 04/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học” để khuyến khích toàn dân học tập: “Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập. Muốn làm cho dân mạnh nước giàu. Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”2…Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nha Bình dân học vụ đã tổ chức phong trào học tập phát triển khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược và chỉ trong vòng một năm đã có trên 2,5 triệu người biết chữ, đồng thời, các hủ tục cũng dần được xóa bỏ. Từ đó, lời hiệu triệu và tư tưởng chiến lược đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng trong sự nghiệp giáo dục, văn hóa, khoa học - kỹ thuật trong từng giai đoạn cách mạng Việt Nam và quá trình phát triển đất nước. Cùng với đó, Người luôn đặt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo thành mục tiêu chiến lược: “Vì lợi ích mười năm thì trồng cây/Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Đối với Người, việc học tập nói riêng và giáo dục - đào tạo nói chung là một vấn đề gắn liền với vận mệnh và tương lai dân tộc.
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về ý chí, tinh thần hiếu học, luôn quan tâm chăm lo đối với sự nghiệp trồng người cho đất nước. Trong Di chúc, Người thiết tha căn dặn việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu hiện cao nhất, vĩ đại nhất của một dân tộc có truyền thống hiếu học.
Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân ta. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng các cấp hội đã tích cực triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án góp phần quan trọng trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Xây dựng mô hình học tập, xã hội học tập theo hướng tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0 và chương trình chuyển đổi số quốc gia. Xây dựng mô hình công dân học tập - thành tố quan trọng quyết định đến chất lượng các mô hình học tập, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.
Phát huy truyền thống hiếu học
Nhằm tích cực góp phần xây dựng truyền thống hiếu học, xã hội học tập, học tập suốt đời, mỗi cá nhân, thành viên của tổ chức cần phải nâng cao ý thức tự học, học thường xuyên, học suốt đời, học ở trường, ở mọi nơi, mọi lúc để nâng tầm trí tuệ, trình độ, kỹ năng toàn diện góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Một là, nêu cao truyền thống hiếu học, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời rộng khắp trong cả nước. Thực hiện tốt các phong trào khuyến học, khuyến tài với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi dưỡng nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Các cấp hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đa dạng các loại hình học tập trong các nhà trường, gia đình, khu dân cư, nhất là những người lớn tuổi có cơ hội được học tập thường xuyên.
Hội khuyến học các cấp cần tiếp tục làm tốt công tác tư vấn, phản biện xã hội; tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Đồng thời, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình, điển hình, các nhân tố mới về học tập và xây dựng xã hội học tập.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn để giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ, người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp. Các trường đại học, các viện nghiên cứu sẽ hình thành những cộng đồng lao động sản sinh và tái tạo trí thức, tạo ra không gian trao đổi và giao lưu tri thức, vận dụng công nghệ thông tin để điều hòa và chuyển giao tri thức. Những cộng đồng này được coi là những cộng đồng trí thức, những thành viên quan trọng của xã hội học tập trong điều kiện đất nước đi vào kinh tế tri thức.
Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, tích cực tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Từ đó, tạo ra bước phát triển mới về tư duy, cách tiếp cận trong xây dựng xã hội học tập; xác định rõ mục tiêu, vai trò, vị trí, trách nhiệm của các thiết chế, nhà nước, tổ chức giáo dục, cá nhân… để tận dụng cơ hội, ứng phó với thách thức, tác độ của chuyển đổi số, xã hội số.
Để phát huy truyền thống hiếu học, giá trị văn hóa của dân tộc, chúng ta cần không ngừng học tập, phá vỡ giới hạn của bản thân và tiếp thu tinh hoa của thế giới nhằm nâng tầm tri thức của dân tộc, khẳng định giáo dục - đào tạo là quốc sách để quốc gia phát triển bền vững.