Quảng Trị là một tỉnh duyên hải miền Trung, nằm trên tọa độ địa lý từ 16018 đến 17010 vĩ độ Bắc, 106032 đến 107034 kinh độ Đông; phía Bắc giáp huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; phía Nam giáp huyện Phong Điền và A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Đông giáp Biển Đông và phía Tây giáp tỉnh Savanakhet và Salavan, nước CHDCND Lào với đường biên giới khoảng 206 km; Phía đông giáp biển đông với chiều dài bờ biển 75 km.
Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời, tỉnh Quảng Trị tạm thời bị phân chia thành hai vùng. Đường giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Bắc và Nam trong khi chờ đợi tổng tuyển cử được dự kiến vào năm 1956 như Hiệp định Giơ-ne-vơ qui định. Nhưng cuộc tổng tuyển cử đã bị chính quyền miền Nam hủy bỏ. Khi Mỹ bắt đầu đổ binh lính và hàng tiếp viện vào miền Nam thì tỉnh Quảng Trị và Khu Phi quân sự (DMZ) đã nhanh chóng trở thành chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, đặc biệt là từ năm 1966 đến khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975 và là mục tiêu của nhiều chiến dịch ném bom tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới.
Sau chiến tranh, ước tính có khoảng 800.000 tấn trong số 7,8 triệu tấn bom đạn được ném xuống Việt Nam bởi quân đội Hoa Kỳ vẫn chưa phát nổ, gây ô nhiễm khoảng 20% diện tích của cả nước. Thêm vào đó số lượng bom mìn vật nổ và vũ khí sử dụng bởi các bên tham chiến và trên trận địa trong suốt thời gian chiến tranh là không thể xác định. Tỉnh bị ô nhiễm nặng nề nhất là Quảng Trị, nơi giao tranh ác liệt giữa quân đội Mỹ và Việt Nam. Gần bốn thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, tỉnh Quảng Trị vẫn còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn còn sót lại (ERW), trong đó số thương vong do bom mìn vật nổ trên 8.500 người (1,4% dân số năm 2011) kể từ sau năm 1975. Trong đó, trẻ em dưới 16 tuổi chiếm tỉ lệ khá cao, 31% tổng số nạn nhân. Rất nhiều tai nạn bom mìn xảy ra là do người dân chưa được giáo dục phòng tránh kịp thời dẫn đến việc tháo gỡ bom mìn hoặc tìm phế liệu chiến tranh.
Báo cáo gần đây nhất về bom mìn còn sót lại và ô nhiễm bom mìn được đưa ra dựa trên các kết quả của dự án Khảo sát tác động bom mìn (LIS) được thực hiện bởi Trung tâm Công nghệ xử lý Bom mìn (BOMICEN) - Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVAF). Kết quả khảo sát cho thấy trong 6 tỉnh miền trung Việt Nam, tỉnh Quảng Trị có mức độ ô nhiễm bom mìn cao nhất: khoảng 83,8% tổng diện tích đất bị ảnh hưởng bởi bom mìn. Những điều này và nhiều kết quả nghiên cứu khác chỉ ra rằng hơn ba thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, bom mìn vẫn còn là mối đe dọa lớn đối với sự an toàn của người dân địa phương trong các hoạt động hàng ngày của họ và là một trở ngại cho sự phát triển kinh tế xã hội.