- Người Hà Nội háo hức theo dõi nhật thực một phần sau 11 năm
- Châu Á háo hức xem nhật thực
- Hàng ngàn người dân háo hức ngắm nhật thực
Hàng triệu người không ngần ngại vượt những quãng đường dài để có thể chứng kiến hiện tượng chỉ may mắn nhìn thấy được một lần duy nhất trong đời. Tuy nhiên, một số người tin rằng hiện tượng nhật thực là dấu hiệu hay điềm báo tai họa khủng khiếp sắp sửa giáng xuống đầu nhân loại; hay nói cách khác - nhật thực toàn phần có nghĩa là ngày tàn của thế giới!
Điềm báo tai họa hay hiện tượng tự nhiên kỳ thú?
Một số người tin rằng nhật thực là dấu hiệu của ngày tận thế đang đến gần và thậm chí nhật thực toàn phần sẽ dẫn đến thảm họa kinh hoàng với 75% dân số thế giới bị hủy diệt! Trong khi đó, đối với nhiều người khác, nhật thực là hiện tượng kích thích trí tò mò và rất được trông đợi.
Trong suốt hàng ngàn năm, những hiện tượng thiên văn luôn gây cảm giác sợ hãi ngày tận thế đang đến gần nơi con người. |
Với trên 12 triệu người sống trên đường đi của nhật thực toàn phần (dải đất trải dài 112 km giữa 2 bang nước Mỹ là Oregon và South Carolina, nơi Mặt Trăng được nhìn thấy che phủ hoàn toàn Mặt Trời), "du lịch nhật thực" được coi là cơ hội hiếm có đem đến khoản thu nhập khổng lồ - một truyền thống "kinh doanh" bắt đầu từ thế kỷ 18 ở châu Âu khi hiện tượng nhật thực lướt qua các thủ đô lớn. Người ta đặt câu hỏi tại sao một hiện tượng trọng đại và cực kỳ hiếm hoi diễn ra trên bầu trời lại gây ra cảm xúc pha lẫn kinh ngạc và sợ hãi?
Thực ra, mối liên hệ giữa nhật thực và niềm tin về ngày tận thế sắp đến gần có từ quãng thời gian mà mối quan hệ giữa nhân loại với bầu trời được coi là không hề dễ chịu chút nào.
Vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, hiện tượng nhật thực toàn phần lướt nhanh qua hòn đảo Paros của Hy Lạp đã gây hứng khởi cho nhà thơ Archilocus trút ra dòng cảm xúc trên mặt giấy: "Giờ đây không có gì trên thế gian này có thể khiến tôi kinh ngạc, bởi vì thần Zeus - người cha của các vị thần trên đỉnh Olympus - đã biến ban ngày trở thành ban đêm tối đen bằng cách cản ánh sáng từ Mặt Trời đang chiếu rọi, và giờ đây nỗi kinh hoàng đen tối đang lơ lửng trên đầu nhân loại. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra".
Những hình ảnh cho thấy cảnh nhật thực toàn phần được chụp tại trạm quan sát Lowell Observatory ở Madras thuộc bang Oregon, miền bắc nước Mỹ. |
Edwin Krupp, giám đốc Đài thiên văn Griffith ở California (Mỹ), bình luận: "Đa phần mọi người không thật sự hiểu nhật thực hay sao băng là gì cho đến ít nhất thế kỷ 17". Tuy nhiên không chỉ có người Hy Lạp cổ đại mới có nỗi sợ hãi mông lung như thế.
Trong khi chỉ có một vài nhà thiên văn kể từ thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên trở đi mới thật sự hiểu được cơ chế thiên văn của hiện tượng nhật thực, thì trong suốt 2.000 năm gần như toàn bộ nhân loại vẫn trung thành với niềm tin cổ xưa rằng các sự kiện thiên văn - nhất là nhật thực và nguyệt thực - đều là những hiện tượng thể hiện quyền năng tối thượng của Thượng Đế!
Edwin Krupp không ngần ngại phán xét: "Tất cả đều xuất phát từ hệ thống thông tin và giáo dục mà ra cả. Ngày xưa, việc truyền đạt thông tin đến với mọi người không hề dễ dàng cho nên các huyền thoại cũng như niềm tin mù quáng mới có dịp lan truyền và tồn tại trong quãng thời gian lâu như thế. Ngay vào thời xa xưa, con người tạo dựng tập quán trong cuộc sống dựa theo quy luật của thế giới xung quanh và một nửa số đó tuân theo quy luật của bầu trời. Những hiện tượng như nhật thực làm đảo lộn trật tự đó.
Mặt Trăng di chuyển qua phía trước Mặt Trời - Ảnh chụp từ vệ tinh Solar Dynamics Observatory của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). |
Thế nhưng ngay cả đến ngày nay, trên thế giới vẫn còn có những nơi như Ấn Độ mà ở đó phụ nữ mang thai không được phép bước ra khỏi cửa nhà vào thời điểm nhật thực diễn ra vì chắc chắn sẽ gặp tai họa từ trên trời giáng xuống - một sự mê tín có từ xa xưa". Do đó để đối phó với nhật thực, nhiều nền văn minh cổ đại tiến hành một loạt các nghi thức cúng tế như là một cách để giao tiếp với thế lực ma quỷ mà họ cho rằng đang hoành hành trên thế gian. Một trong những quan niệm phổ biến nhất là Mặt Trăng hay Mặt Trời bị một loài ác thú tấn công.
Ở vùng Tây Á, người ta cho rằng nhật thực xảy ra là do có một con rồng nuốt lấy Mặt Trời cho nên mọi người sẽ đánh những cái trống khổng lồ để dọa cho con vật khủng khiếp chuẩn bị gieo tai họa phải cuống cuồng mà… bỏ chạy! Còn ở Trung Quốc, người ta cho rằng Mặt Trời bị một con "chó trời" (thiên khuyển) ăn mất. Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi ở Trung Quốc cách gọi tên hiện tượng này sớm nhất mà chúng ta biết là "thực" có nghĩa là "ăn". Ở Peru, con quái vật đó được cho là một con báo khổng lồ trong khi người Viking - cướp biển vùng Bắc Âu - tưởng tượng ra một cặp sói trời.
Tuy nhiên không phải ai cũng cho rằng nhật thực là một hiện tượng đáng sợ. Ví dụ như tộc người Batammaliba ở Togo và Benin luôn cho rằng hiện tượng nhật thực xảy ra là do Mặt Trăng và Mặt Trời… đánh nhau! Họ cho rằng thời điểm nhật thực là lúc để mọi người ngừng nghỉ và tận dụng cơ hội để hòa giải những oán thù lâu năm mà tha thứ.
Còn người bản địa ở nam Thái Bình Dương và thổ dân Bắc Mỹ ở bờ biển tây bắc Hoa Kỳ đều cho rằng nhật thực toàn phần là thời điểm ái ân vì Mặt Trăng hay Mặt Trời đều biến mất phía sau một bức màn tối để giấu kín những hoạt động tình tứ.
Tác động văn hóa và quyền lực chính trị
Jarita Holbrook, nhà thiên văn và nữ giáo sư Đại học Western Cape (Nam Phi), lý giải: "Cái cách mà người dân các nơi diễn giải những hiện tượng thiên văn này có liên hệ chặt chẽ với niềm tin trong nền văn hóa của họ. Ở những nơi có môi trường sống ôn hòa với thời tiết không cực đoan và nguồn thức ăn dồi dào thì những vị thần nơi đó nhiều khả năng được cho là nhân từ và người dân cũng nhìn nhận hiện tượng nhật thực theo cách rất khác. Tuy nhiên nếu sống trong một tín ngưỡng đáng sợ với những vị thần linh là nỗi kinh hoàng thì họ sẽ có khuynh hướng nghĩ về ngày tận thế".
Hiện tượng nhật thực kích thích mạnh não bộ dẫn đến phản ứng cơ thể. |
Đó chính là những gì xảy ra đối với người Thiên chúa giáo ở châu Âu thời Trung Cổ. Người dân ở đây bị dịch bệnh, chiến tranh hành hạ. Vốn rất tôn sùng Kinh Thánh, suy nghĩ của họ khi xảy ra nhật thực và nguyệt thực nhanh chóng hướng đến quyển Mặc Khải vốn mô tả cảnh Mặt Trời trở nên tối đen như mực và toàn bộ Mặt Trăng chuyển sang một màu máu.
Chris French, Giáo sư Đại học Goldsmiths (Anh) và là người sáng lập Khoa Nghiên cứu Tâm lý Bất thường (APRU), nhận định: "Thật dễ nhận ra tại sao họ có suy nghĩ như vậy. Mặt Trời biến mất trên bầu trời khi nhật thực diễn ra và hiện tượng có rất nhiều biểu tượng hiển nhiên liên quan đến nó. Còn đối với nguyệt thực thì Mặt Trăng trở nên đỏ như máu. Chúng ta cần nhớ rằng đại đa số người dân có lẽ chưa từng chứng kiến nhật thực trước đây. Tuổi thọ lúc đó thì ngắn ngủi trong khi những hiện tượng thiên văn này không thường xảy ra".
Khi người Tây Ban Nha chinh phục Đế chế Aztec vào thế kỷ 16, một tu sĩ thuộc dòng Francis tên là Bernardino de Sahagún được coi là một trong những nhà nhân chủng học đầu tiên thuật lại phản ứng của dân bản địa trước hiện tượng nhật thực toàn phần.
Ở vùng Tây Á, người ta cho rằng nhật thực xảy ra là do có một con rồng nuốt lấy Mặt Trời. |
Bản tường thuật hiếm hoi viết: "Mặt Trời hóa đỏ. Nó vùng vẫy và mắc nạn. Nó biến mất. Và rồi mọi thứ trở nên huyên náo và hỗn loạn. Mọi người la hét, khiếp sợ và kinh hãi. Rồi họ khóc. Đám đông cất tiếng khóc càng lúc càng to. Họ kêu gào. Đâu đâu cũng là tiếng la. Những người có làn da sáng bị giết chết để hiến tế. Tù nhân bị giết. Máu của những người bị giết được dùng để hiến tế. Ở các ngôi đền, mọi người cầu nguyện. Người ta nói rằng nếu mọi việc xong xuôi thì thế giới sẽ chìm trong bóng tối mãi mãi. Những con quỷ dữ của bóng đêm sẽ bước ra và sẽ tìm người để ăn thịt".
Trong số ít người hiểu được thật sự chuyện gì đang xảy ra, một số người cố tình thêu dệt huyền thoại như là một cách để trục lợi quyền lực chính trị. Năm 1504, sau khi chiếc tàu bị đắm ngoài bờ biển cùng với thủy thủ đoàn bên bờ vực chết đói, nhà thám hiểm Christopher Columbus đã khôn ngoan trấn áp một cuộc nổi loạn bằng cách sử dụng nhật thực để thuyết phục thổ dân Arawak rằng ông kiểm soát bầu trời và buộc họ phải run sợ mà tự nguyện cung cấp thức ăn.
Vào khoảng 300 năm sau, lãnh chúa Shaka kaSenzangakhona khi thiết lập nên vương quốc Zulu cũng đã cố gắng củng cố quyền lực của mình bằng cách sử dụng các hiện tượng thiên văn nhằm thuyết phục thần dân rằng ông làm chủ Mặt Trời.
Mãi cho đến khi báo chí ra đời thì những hiểu biết về nhật thực là gì và tại sao hiện tượng xảy ra mới bắt đầu được lan truyền rộng rãi. Edwin Krupp cho biết: "Ở châu Âu vào thế kỷ 17 bạn có thể đọc những tin tức dự đoán những điều khủng khiếp khi xảy ra nhật thực nhưng cũng lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy báo đăng những bản tin nói: "Thật điên rồ. Đó chẳng qua chỉ là sự vận động của Hệ Mặt trời thôi mà".
Tuy nhiên một trong những nguyên nhân mà những huyền thoại xung quanh nhật thực vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay là sự tình cờ. Giáo sư Chris French giải thích: "Đối với những ai tin vào chiêm tinh và cho rằng những gì xảy ra trên bầu trời cho chúng ta cảnh báo về những gì xảy ra trên mặt đất thì sẽ không tránh khỏi họ sẽ thấy sự trùng hợp giữa hiện tượng sao chổi và sau đó có ai đó được sinh ra đời hay qua đời. Chúng chỉ xảy ra một cách tình cờ, nhưng đối với những người không tư duy theo lý thuyết xác suất thì họ cho rằng những hiện tượng đó là điềm báo của một điều gì đó".
Còn Holbrook đề cập đến phản ứng cơ thể con người trước hiện tượng nhật thực: "Khi nhìn thấy nhật thực, cơ thể bạn sẽ bắt đầu phản ứng. Đó là phản ứng do não bộ phát động. Nhịp tim sẽ tăng lên, nhiệt độ cơ thể đột ngột thay đổi, hơi thở trở nên gấp gáp, con ngươi giãn nở và mồ hôi toát ra đầm đìa". Nói tóm lại, hiện tượng nhật thực kích thích mạnh não bộ dẫn đến phản ứng cơ thể như thế và phản ứng được nhận thức cũng như diễn giải rất khác nhau tùy theo nền văn hóa.