Hồi sinh xế cổ Volkswagen Beetle vẻ đẹp vượt thời gian

Hồi sinh xế cổ Volkswagen Beetle, vẻ đẹp vượt thời gian - 1
Xế cổ Volkswagen Beetle 1968 đỗ bên cạnh một tòa nhà Pháp cổ ở TPHCM (Ảnh: An Quốc).

Phục dựng xe giống như sáng tác một tác phẩm nghệ thuật

Trò chuyện với PV Dân trí, anh Võ An Quốc, 34 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại TPHCM cho biết: "Từ nhỏ sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghệ thuật, điều này chính là bản lề cho tôi có thêm niềm đam mê với ô tô, đặc biệt là các mẫu xe cổ. Điển hình là các mẫu xe như Peugeot 404 (1960-1978), Volkswagen Beetle 1968, Toyota Publica A800 1967".

Lý giải về niềm đam mê xe cổ, anh Quốc chia sẻ: "Phục dựng một chiếc xe từ những thập niên từ thế kỷ trước giống như sáng tác một tác phẩm âm nhạc, hội họa. Người nghệ sĩ phải có sự kiên trì, sáng tạo và gửi gắm những thông điệp của mình vào trong tác phẩm đó".

Volkswagen Beetle 1968 là mẫu xe gắn liền với Sài Gòn vào những năm thập niên 60-70 của thế kỷ trước, nó có mục đích phục vụ cho cả quân sự lẫn dân sự. Chiếc xe nhanh nhóng được người Sài Gòn yêu mến và đặt cho một cái tên khác là "con bọ" do nó mang một hình dáng xinh xắn, dễ thương và nhỏ gọn.

Theo chủ nhân của chiếc xe, Volkswagen Beetle còn rất quen thuộc với người Việt Nam ngày nay cả trong phim ảnh và cuộc sống đời thường. Đặc biệt, chiếc xe còn xuất hiện nhiều trong các album ảnh cưới của mọi người.

Mất hàng năm để phục dựng một chiếc xe

"Chú bọ" này được anh An Quốc mua lại vào tháng 7/2021, thời điểm mà TPHCM đang phải giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Cho đến nay, sau 1 năm mới có thể phục dựng hoàn chỉnh.

Hồi sinh xế cổ Volkswagen Beetle, vẻ đẹp vượt thời gian - 2

Anh An Quốc chủ nhân của chiếc Volkswagen Beetle vừa được phục dựng xong.

"Khi mà mua chiếc xe vào thời điểm thành phố giãn cách xã hội, tôi khá may mắn khi tìm được chiếc xe còn tốt vẫn có thể hoạt động, nhưng bản thân vẫn còn chưa ưng ý", An Quốc chia sẻ.

"Công việc phục dựng lại xe cổ rất gian nan, dù đó là chiếc xe còn khá tốt, những người thợ vẫn sẽ phải "mổ xẻ" nó ra để có thể kiểm tra các chi tiết, linh kiện bên trong nâng cấp, thay thế giúp chiếc xe hoạt động an toàn và hoàn hảo", anh cho biết thêm.

Hồi sinh xế cổ Volkswagen Beetle, vẻ đẹp vượt thời gian - 3
Không gian nội thất chiếc xe cũng được chủ nhân "lột xác" từ hệ thống ghế ngồi, nâng cấp dàn lạnh và dàn âm thanh (Ảnh: An Quốc).

Chủ nhân của chiếc Volkswagen Beetle 1968 cùng những người thợ đã phải làm lại dàn đồng, hệ thống điện, nội thất, động cơ và sơn một màu mới.

"Chiếc xe ban đầu mang một màu sơn rất đặc biệt - xanh đen, ban ngày thì mọi người nhìn thấy màu xanh, nhưng khi trời tối sẽ thấy màu đen. Song tôi vẫn quyết định sơn lại chiếc xe thành màu trắng để sau này có thể cho mọi người thuê để chụp hình, hay phục vụ cho các nhà làm phim, MV âm nhạc", anh An Quốc nói.

Bên cạnh đó, nội thất chiếc xe cũng được chuyển đổi sang màu da bò sang trọng, cùng với nâng cấp máy lạnh và hệ thống âm thanh. Chiếc Volkswagen Beetle 1968 này là phiên bản sử dụng động cơ 1.5L, khá khỏe để chủ xe có thể bổ sung một số tiện nghi trong khoang nội thất.

Hồi sinh xế cổ Volkswagen Beetle, vẻ đẹp vượt thời gian - 4

Thiết kế phần đuôi xế cổ Volkswagen Beetle 1968 (Ảnh: An Quốc).

Theo anh An Quốc, dòng xe Volkswagen Beetle đời 1963-1868 có hai phiên bản động cơ. Đối với mẫu xe sử dụng máy 1.3 lít thì sẽ có sự tinh chỉnh nhẹ về thiết kế phần đuôi, còn phiên bản 1.5 thì sẽ khỏe hơn nên có thể lắp máy lạnh, đồng thời chạy trên đường cũng yên tâm hơn so với các máy đời trước.

"Một tiền gà, ba tiền thóc"

Mặt khác, dù chi phí mua những chiếc xe cũ về phục dựng không quá cao, chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng, song tùy từng yêu cầu, sáng tạo của chủ nhân trong quá trình phục dựng thì số tiền có thể nhân lên gấp 2 thậm chí gấp 3 lần.

Lý giải về điều này, anh An Quốc cho biết: "Những người đam mê xe cổ đều mang một tôn chỉ là làm sao để chiếc xe có thể phục dựng lại nguyên bản nhất như thời điểm nó rời nhà máy. Do những chiếc xe này có tuổi đời khá cao nên việc tìm kiếm phụ tùng, linh kiện tại Việt Nam đều rất khó khăn".

Có những món đồ chủ nhân phải đặt hàng từ nước ngoài với chi phí đắt đỏ và tốn nhiều thời gian chờ đợi trong quá trình vận chuyển, đó là lý do khiến chi phí phục dựng một chiếc xe cao hơn nhiều lần so với giá mua ban đầu.

Mặc dù có nhiều khó khăn trong quá trình phục dựng xe cổ, song với niềm đam mê mãnh liệt, anh An Quốc vẫn đặt niềm tin vào thú vui này với hy vọng nó sẽ trở thành xu hướng mới của giới trẻ hiện đại ngày nay.

Hồi sinh xế cổ Volkswagen Beetle, vẻ đẹp vượt thời gian - 5
Những chiếc xe cổ đã được chủ nhân phục dựng xong (Ảnh: An Quốc).

Anh nói: "Lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh ngày nay đang có xu hướng trở về những năm thập niên của thế kỷ trước, và những mẫu xe cổ ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh Việt như trong các bộ phim Mắt biếc, Em và Trịnh hay trong các MV âm nhạc".

"Điều này giúp tôi có thêm nhiều động lực để theo đuổi niềm đam mê này và đưa nó tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ để có thể hiểu biết hơn về những mẫu xe đã từng là nhân chứng cho một thời kỳ phát triển của đất nước", anh An Quốc cho biết.

Theo Dân trí

Bạn đang sở hữu một chiếc xe độc hay bản độ siêu đẹp? Hãy chia sẻ bài viết cảm nhận, hình ảnh về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!