1. Bằng lái xe A3 lái được xe gì?
Theo khoản 3 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, các loại phương tiện mà người sở hữu giấy phép lái xe hạng A3 có thể điều khiển bao gồm:
3. Hạng A3 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.
Theo quy định này, bằng lái xe A3 được phép điều khiển các loại xe sau:
- Xe mô tô 02 bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 - dưới 175 cm3.
- Xe mô tô 03 bánh dùng cho người khuyết tật.
- Xe mô tô 03 bánh.
Bằng lái xe A3 được sử dụng phổ biến trong các trường hợp sử dụng phương tiện xe ba bánh để vận chuyển đồ đạc khi chuyển nhà, giao sản phẩm cồng kềnh cho các đại lý, cửa hàng,…
Lưu ý: Bằng lái xe A3 có thể sử dụng để lái các loại xe máy thông thường nhưng không thể lái các xe phân khối lớn từ 175cc trở lên.
2. Điều kiện thi bằng lái xe A3 thế nào?
Theo Điều 8 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, người có nhu cầu thi bằng lái xe A3 không cần phải học lý thuyết tại trung tâm đào tạo lái xe mà có thể tự ôn luyện tại nhà rồi đăng ký thi sát hạch.
Căn cứ Điều 7 Thông tư 12, người thi bằng lái xe A3 phải là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam mà đáp ứng đủ các các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, trình độ văn hóa.
- Về độ tuổi: Từ đủ 18 tuổi trở lên (theo điểm b khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008).
- Về điều kiện sức khỏe: Đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT.
3. Hồ sơ thi bằng lái xe A3 gồm giấy tờ gì?
Căn cứ Điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, hồ sơ dự bằng lái xe A3 bao gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị học, sát hạch cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định.
- Bản sao giấy tờ về nhân thân:
- Công dân Việt Nam: Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Hộ chiếu còn thời hạn.
- Người nước ngoài: Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú/thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao/chứng minh thư công vụ.
- Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
Người dự thi sát hạch nộp cho trung tâm đào tạo và thi sát hạch lái xe các giấy tờ nêu trên để họ lập danh sách đề nghị sát hạch (có tên người dự thi) và gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.
4. Chi phí thi bằng lái xe A3 hết bao nhiêu?
Theo Thông tư 188/2016/TT-BTC, người thi sát hạch bằng lái xe A3 bắt buộc phải trả các khoản phí, lệ phí sau:
- Lệ phí thi lý thuyết A3: 40 000 đồng/lần.
- Lệ phí thi thực hành A3: 50 000 đồng/lần.
- Phí cấp bằng lái xe hạng A3: 135 000 đồng/lần.
Ngoài ra, người có nhu cầu thi bằng lái xe A3 còn mất thêm một số khoản phí phát sinh như phí khám sức khỏe; phí chụp ảnh thẻ; phí làm hồ sơ tại trung tâm sát hạch; phí thi thử thực hành,…
Do đó, tổng chi phí thi bằng lái xe A3 có thể dao động từ vài trăm nghìn đến hơn 01 triệu đồng.
5. Thi bằng lái xe A3 bao lâu thì có bằng?
Theo khoản 1 Điều 27 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, sửa bởi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, thí sinh đạt nội dung sát hạch lý thuyết và thực hành sẽ được công nhận trúng tuyển.
Thời gian cấp bằng lái xe sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch được quy định tại khoản 3 Điều 35 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT như sau:
3. Thời gian cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.
Theo đó, sau khi kết thúc kỳ thi sát hạch bằng lái xe A3, thí sinh chỉ cần chờ 10 ngày làm việc là sẽ nhận được bằng lái xe A3.
Trường hợp có nhu cầu nhận bằng lái xe A3 tại nhà, sau khi kết thúc thi sát hạch, thí sinh phải đăng ký dịch vụ nhận bằng tại nhà qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến để gửi yêu cầu đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.
Theo khoản 1 Điều 17 Thông tư 12, bằng lái xe A3 được cấp sẽ có giá trị vô thời hạn.
Trên đây là những thông tin quan trọng về bằng lái xe A3. Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.