Chăm chỉ là một tố chất được nhiều ứng viên nhiệt tình thể hiện trong CV để thu hút nhà tuyển dụng. Nhưng liệu có phải càng chăm chỉ thì càng thành công không? Bài viết “chăm chỉ là gì?” của quân sư TalentBold chắc chắn sẽ mang đến cho bạn nhiều thông tin thú vị.
MỤC LỤC:
1. Khái niệm sự chăm chỉ
2. Vai trò quan trọng mà tố chất chăm chỉ mang lại cho cuộc sống?
3. Vì sao sự chăm chỉ ảnh hưởng lớn đến thành công sự nghiệp?
4. Tác hại của “bẫy làm việc chăm chỉ”
5. Làm thế nào để rèn luyện tố chất chăm chỉ đúng cách và đúng hướng?
1. Khái niệm sự chăm chỉ
Chăm chỉ (Hard - working) là tố chất được thể hiện thông qua sự cố gắng, kiên trì, nỗ lực hoàn thành mục tiêu của một người. Hành động chăm chỉ là sự kết hợp của cả thể chất, tinh thần và cảm xúc, được duy trì một cách tự nguyện với tần suất ổn định trong một khoảng thời gian, không kể đó là điều nhỏ nhặt hay một nhiệm vụ lớn lao, người chăm chỉ đều tận tâm, nghiêm túc thực hiện với sự tỉ mỉ và cẩn thận.
2. Vai trò quan trọng mà tố chất chăm chỉ mang lại cho cuộc sống?
2.1. Dẫn lối thành công
Tính cách chăm chỉ thôi thúc họ tìm giải pháp cho những khó khăn, thử thách trong quá trình thực hiện, kiên trì với mục tiêu đề ra chứ không nản chí hoặc từ bỏ. Từng khó khăn dần được khắc phục, từng mục tiêu nhỏ dần được chinh phục tạo nên sức mạnh, thành công chạm tay đến mục tiêu lớn.
2.2. Tạo ấn tượng tốt về tính cách
Người chăm chỉ là người có tinh thần trách nhiệm cao, họ luôn nỗ lực làm phần việc của mình, chỉ khi không thể giải quyết hoặc vượt quá quyền hạn thì mới tìm sự hỗ trợ. Phong cách làm việc này rất được đề cao vì tạo được sự tin tưởng và an tâm tuyệt đối cho các cộng sự của họ.
2.3. Tích lũy dữ liệu giá trị
Chăm chỉ gắn kết một người với nhiều hoạt động phải thực hiện, mỗi hoạt động mang đến một giá trị kiến thức nhất định. Và tất cả những kiến thức này không ngừng được làm giàu lên trong kho dữ liệu lưu trữ của người chăm chỉ, giúp họ dễ dàng phối hợp tìm giải pháp khi tiếp cận những vấn đề mới.
>>> Bạn có thể tham khảo: Nỗ lực là gì? Cách phân biệt giữa nỗ lực ảo và nỗ lực thật
2.4. Duy trì động lực phát triển
Quá trình áp dụng sự chăm chỉ vào một việc cụ thể vừa là lúc ta hoàn thành công việc, cũng vừa là cơ hội để ta phát hiện những vấn đề mới. Nhờ vậy, cuộc sống của người chăm chỉ không ngừng có những điều mới thôi thúc học hỏi, sự nhàm chán hay mất động lực làm việc dường như rất ít phát sinh ở họ.
3. Vì sao sự chăm chỉ ảnh hưởng lớn đến thành công sự nghiệp?
Chăm chỉ không đảm bảo cho một sự thành công, nhưng nếu không có sự chăm chỉ thì dù bạn hội đủ những yếu tố khác, chắc chắn bạn cũng khó thành công. Bởi lẽ tố chất chăm chỉ tạo tiền đề cho:
3.1. Tận tâm với mục tiêu đặt ra
Những việc làm hấp dẫn
Người chăm chỉ có sự kiên định và kiên trì cao, vì vậy, mục tiêu đã giao phó, họ sẽ không bao giờ từ bỏ giữa chừng. Cho dù việc hoàn thành có nhiều khó khăn nhưng chỉ cần nằm trong khả năng chuyên môn thì họ sẽ luôn nỗ lực tìm cách xoay chuyển linh hoạt để đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất.
3.2. Tập trung trong từng hành động
Một khi tham gia vào một nhiệm vụ có tiêu chuẩn chất lượng cao, người chăm chỉ sẽ tập trung 100% năng lượng cho công việc để đảm bảo rằng không có bất kỳ sai sót nào xảy ra vì sự lơ là, hời hợt của họ. Không có tình trạng vừa làm việc quan trọng vừa nhắn tin hoặc tán gẫu với đồng nghiệp, chỉ khi xử lý xong việc gấp, chỉ còn những việc thông thường mang tính thủ tục thì người chăm chỉ mới cho phép bản thân thỉnh thoảng tiếp lời trò chuyện cùng đồng nghiệp mà thôi.
3.3. Kiên trì đối mặt khó khăn
“Mọi khó khăn đều sẽ có cách giải quyết, chỉ cần chăm chỉ tìm hiểu và khai thác nhiều giải pháp” - đây chính là tư duy hành động của người chăm chỉ. Vì vậy, khi gặp khó khăn, trước mắt họ có thể tạm gác lại để hoàn thành những nhiệm vụ cần ưu tiên hơn, nhưng khi tan làm, họ có thể ở lại nghiên cứu thêm hoặc về nhà thức khuya để lục tìm tài liệu, phải tìm ra giải pháp khả thi thì họ mới cảm thấy an tâm đi nghỉ ngơi.
3.4. Tăng khối lượng công việc xử lý mỗi ngày
Người chăm chỉ không thích ngồi không, lịch trình làm việc của họ luôn nối tiếp việc này đến việc khác. Thời gian được sử dụng một cách hiệu quả, tổng khối lượng công việc xử lý trong ngày từ việc công ty, việc nhà đến việc cá nhân đều nhiều hơn người khác, nhưng hiệu quả hoàn thành đều đạt chất lượng vì họ biết cách sắp xếp cân bằng theo thứ tự và thời lượng khả thi.
3.5. Mở rộng cơ hội được trọng dụng
Người chăm chỉ làm việc bằng cái tâm thật sự của mình chứ không phải chỉ chăm chỉ đối phó, Sếp vừa quay lưng đi là ngay lập tức gác lại công việc như những người “giả chăm chỉ”. Tố chất này giúp cho nhà tuyển dụng cảm thấy rất an tâm khi trọng dụng họ, một là an tâm về chất lượng công việc, hai là an tâm về văn hóa doanh nghiệp vì một tổ chức càng có nhiều người làm việc chăm chỉ thì những người khác sẽ càng dễ được truyền năng lượng từ họ, tạo thành một tập thể chăm chỉ tích cực.
3.6. Thích nghi công việc nhanh
Bằng sự chăm chỉ, những yếu tố mới trong công việc đều được người chăm chỉ tập trung khai thác ngay lập tức. Qua đó, họ nhanh chóng nắm bắt quy trình, tìm thấy những lỗ hổng bất cập hoặc những vấn đề còn thắc mắc mà người không chăm chỉ phải mất nhiều thời gian hơn để phát hiện. Nhờ vậy, tổng thời gian tiếp quản, làm quen và thuần thục công việc mới của người chăm chỉ luôn cao hơn.
4. Tác hại của “bẫy làm việc chăm chỉ”
Cụm từ “bẫy làm việc chăm chỉ” muốn nói đến những hành động chăm chỉ không hữu ích, không mang lại giá trị tích cực cho bản thân nhưng chúng ta cứ “đâm đầu” chăm chỉ như một thói quen làm việc thì càng kéo dài sẽ càng phát sinh nhiều tác hại:
4.1. Hao tốn nhiều nguồn lực
“Làm việc chăm chỉ sẽ có tất cả”, không hẳn vậy. Thực tế làm việc chăm chỉ chỉ giúp chúng ta hoàn thành một công việc theo cách phổ biến. Muốn tạo nên sự đột phá cần phải kết hợp chăm chỉ và sự thông minh để cải tiến cách thức làm việc tốn ít nguồn lực hơn mà vẫn đạt hiệu quả. Chính vì vậy, đừng quá đề cao hóa sự chăm chỉ để rồi áp dụng miết vào cuộc sống của mình.
>>>> Bạn có thể quan tâm: Cách tự tạo động lực làm việc mỗi ngày?
4.2. Mục tiêu hoàn thành không được ghi nhận
Sức người có hạn, nguồn lực cũng vậy, nếu mục tiêu nào cũng nhận mà cũng chăm chỉ thực hiện thì rất có thể bạn đang lãng phí thời gian đấy. Vì rất nhiều mục tiêu chỉ là hình thức hoặc thủ tục cần hoàn thành, không đóng góp lớn cho thành công tập thể nên dù hoàn thành chỉnh chu “đẹp từng centimet” thì thành tích cũng không được ghi nhận. Trong khi bạn phải dành biết bao nhiêu tâm huyết, thời gian cho mục tiêu đó.
4.3. Tâm lý sợ hãi khi bớt chăm chỉ
Nhiều bạn xem chăm chỉ như một chuẩn mực phải tuân thủ, nếu không hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ là do chưa đủ chăm chỉ. Việc xin nghỉ phép khi bị cảm, hay bớt chăm chút cho một việc nào đó bỗng khiến họ cảm thấy có lỗi với tập thể, hoặc cảm thấy bất an về chất lượng công việc. Thế là bạn ấy lại chăm chỉ và tiếp tục chăm chỉ, như một vòng luẩn quẩn. Bản thân chỉ an tâm khi tự mình làm mọi việc, mệt hơn, căng thẳng hơn mà hiệu quả chỉ được đánh giá ngang với đồng nghiệp khác.
4.4. Bỏ lỡ nhiều điều quan trọng khác
Mỗi ngày bạn chỉ có 24 giờ mà việc gì cũng đòi chỉnh chu theo tiêu chuẩn chăm chỉ thì ắt hẳn thời gian phải dành hết cho công việc, còn lại một ít để ăn ngủ nghỉ lấy lại sức mà thôi. Rất nhiều điều quan trọng khác trong cuộc sống như du lịch, kết nối bạn bè, hẹn hò… bị bỏ lỡ vì bạn không có đủ thời gian và sự nhiệt huyết để chăm chút.
4.5. Giảm khả năng sáng tạo
Chăm chỉ thái quá sẽ khiến bạn mất rất nhiều thời gian xử lý việc chính. Sau khi hoàn tất thì cũng không còn nhiều thời gian và sự minh mẫn để dành suy nghĩ cải tiến, sáng tạo cách làm việc nữa. Thế là quy trình làm việc chăm chỉ cứ mãi được áp dụng, kéo dài ngày này qua tháng khác, năng lực sáng tạo của bạn cũng vì vậy bị mai một dần.
5. Làm thế nào để rèn luyện tố chất chăm chỉ đúng cách và đúng hướng?
Chăm chỉ là tốt nhưng chăm chỉ mù quáng thì lại rơi vào “bẫy làm việc chăm chỉ”. Vì vậy, muốn rèn luyện tố chất chăm chỉ đúng cách, đúng hướng, chúng ta cần chú ý:
5.1. Phân chia nhiệm vụ ưu tiên
Trung thành với phong cách làm việc chăm chỉ sẽ khiến bạn dễ kiệt sức khi khối lượng công việc tăng lên theo thời gian. Cách giải quyết đầu tiên chính là phân loại nhóm nhiệm vụ, dành thời gian chính và sự chăm chỉ cao cho những nhiệm vụ ưu tiên cần độ chuẩn xác lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cá nhân và doanh nghiệp. Còn những nhiệm vụ hình thức, ít quan trọng, bạn nên tìm cách thực hiện nhanh, không cần chỉnh chu, chỉ cần đủ dữ liệu, có thể dồn lại làm vào cuối tuần hoặc khi rảnh.
5.2. Phải có thời gian nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là khoảng thời gian nạp lại năng lượng cho cả thể chất và tinh thần, giúp duy trì chất lượng cao trong công việc, trong cuộc sống. Hằng ngày nên ăn trưa, nghỉ trưa đúng giờ, an tâm xin nghỉ phép vì đó là quyền lợi của bạn. Việc trong đội nhóm sẽ được các đồng nghiệp khác đảm nhận thay như khi họ nghỉ phép, bạn đã làm thay họ vậy. Hãy thử một lần nghỉ phép đi, bạn sẽ thấy mọi thứ vẫn diễn ra ổn thỏa, việc chính vẫn được hoàn thành, bạn chỉ cần sắp xếp lại theo cách quản lý của mình khi quay về làm lại mà thôi.
5.3. Đơn giản hóa cách làm
Quy trình ổn định không có nghĩa không thể làm tốt hơn. Bằng chuyên môn và kinh nghiệm, nếu thấy thời lượng và công sức hao tốn quá nhiều, bạn hãy tự đặt cho mình câu hỏi “Có cách nào giải quyết nhanh hơn không?”. Việc tự hỏi bản thân cũng chính là tạo nên nhu cầu để não bộ tiếp nhận, từ đó, não bộ sẽ để tâm và sàng lọc dữ liệu trong lúc bạn làm việc, và khi bạn nghỉ ngơi, não bộ được thư giãn với nhiều không gian thoáng đãng, tự nhiên ý tưởng sẽ xuất hiện. Bạn hãy thử áp dụng nhé.
Chăm chỉ là một tố chất tốt đẹp của con người, hình thành nên thói quen cần mẩn, tỉ mỉ và kiên trì với mục tiêu. Tuy nhiên, như quân sư TalentBold đề cập, nếu không suy xét cẩn trọng trước khi chọn mục tiêu chăm chỉ thì chúng ta rất dễ lãng phí nguồn lực khi sa lầy vào “bẫy làm việc chăm chỉ”. Do đó, rèn luyện sự chăm chỉ phải luôn đi kèm cùng mục tiêu cụ thể, mang lại giá trị hữu ích cho quá trình phát triển cá nhân.
-
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: [email protected]
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet