Tác phẩm Cô bé bán diêm sẽ được hướng dẫn tìm hiểu trong chương trình học môn Ngữ văn của sách Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 6.
Download.vn muốn mời bạn đọc tham khảo tài liệu Soạn văn 6: Cô bé bán diêm. Hãy cùng theo dõi ngay sau đây.
Soạn văn 6: Cô bé bán diêm
- 1. Tri thức Ngữ văn
- 1.1 Miêu tả nhân vật trong truyện kể
- 1.2 Mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ
- 2. Soạn bài Cô bé bán diêm
- 2.1 Trước khi đọc
- 2.2 Đọc văn bản
- 2.3 Sau khi đọc
1. Tri thức Ngữ văn
1.1 Miêu tả nhân vật trong truyện kể
- Ngoại hình: dáng vẻ bề ngoài của nhân vật (thân hình, gương mặt, ánh mắt, làn da, mái tóc, trang phục…)
- Hành động: những cử chỉ, việc làm thể hiện cách ứng xử của nhân vật với bản thân và thế giới xung quanh.
- Ngôn ngữ: lời nói của nhân vật, được xây dựng ở cả hai hình thức đối thoại và độc thoại.
- Thế giới nội tâm: những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật.
1.2 Mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ
- Thành phần chính của câu có thể là một từ, cũng có thể là một cụm từ. Dùng cụm từ làm thành phần chính của câu có thể giúp câu cung cấp được nhiều thông tin hơn cho người đọc, người nghe. Có nhiều loại cụm từ, nhưng tiêu biểu nhất là cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ.
- Cụm danh từ gồm danh từ và một số từ khác bổ nghĩa cho danh từ. Cụm động từ gồm động từ và một số từ khác bổ nghĩa cho động từ. Cụm tính từ gồm tính từ và một hoặc một số từ khác bổ nghĩa cho tính từ.
2. Soạn bài Cô bé bán diêm
2.1 Trước khi đọc
1. Giới thiệu ngắn gọn một truyện kể hoặc một bộ phim có nhân vật trẻ em gây ấn tượng với em.
- Một số bộ phim hoạt hình như: Đô-ra-ê-mon, Thám tử lừng danh Conan…
- Một số truyện kể như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Nguyễn Nhật Ánh), Đất rừng phương nam (Đoàn Giỏi)...
2. Chia sẻ một vài cảm nhận của em về nhân vật đó.
Cảm nhận về nhân vật Nô-bi-ta trong Đô-ra-ê-mon:
- Một cậu bé hậu đậu, lười biếng nên thường xuyên phải nhờ đến sự giúp đỡ từ người bạn của mình là Đô-ra-ê-mon.
- Nô-bi-ta cũng là một cậu bé giàu tình yêu thương, dũng cảm và coi trọng tình bạn..
=> Một nhân vật có những đức tính đáng để học tập.
2.2 Đọc văn bản
Câu 1. Điều sẽ đến với cô bé bán diêm trong đêm giao thừa?
Giữa trời đông giá rét, em phải ra ngoài đường bán diêm nhưng không có ai đoái hoài đến.
Câu 2. Sau khi bà mất, gia đình cô bé bán diêm rơi vào tình cảnh như thế nào?
Gia sản tiêu tán, gia đình phải rời ngôi nhà xinh xắn để chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắng nhiếc, chửi rủa.
Câu 3. Mỗi lần quẹt diêm cô bé bán diêm nhìn thấy những hình ảnh gì? Đó là thực hay mơ?
Mỗi lần quẹt diêm, cô bé sẽ nhìn thấy:
- Lần thứ nhất: lò sưởi
- Lần thứ hai: căn phòng có bàn ăn, trên bàn có ngỗng quay
- Lần thứ ba: cây thông Noel
- Lần thứ tư: người bà
- Lần cuối cùng: gặp lại bà và đi theo bà đến nơi hạnh phúc.
=> Đó đều là những hình ảnh trong mơ, không có thật.
Câu 4. Điều gì xảy ra với cô bé bán diêm. Có giống với dự đoán của em không?
Điều xảy ra với cô bé bán diêm: cô bé đã chết vì rét trong đêm giao thừa.
Câu 5. Có những hình ảnh trái ngược nào trong quảng cảnh ngày năm mới?
- Hình ảnh trái ngược trong quang cảnh đầu năm mới: Khung cảnh của năm mới, “mặt trời lên trong sáng, chói chang trên bầu trời nhạt, mọi người vui vẻ ra khỏi nhà”. Thì “ở một xó tường, người ta chỉ thấy em với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười".
2.3 Sau khi đọc
Trả lời câu hỏi
Câu 1. Truyện Cô bé bán diêm được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy?
Truyện Cô bé bán diêm được kể bằng lời của người kể chuyện theo ngôi thứ ba.
Câu 2. Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường phố trong một đêm như thế nào? Vì sao cô bé không dám trở về nhà?
- Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường trong một đêm:
- Thời gian: Đêm giao thừa rét mướt.
- Không gian: Cửa sổ của các nhà đều sáng rực, trong phố sực nức mùi ngỗng quay.
- Cô bé không dám trở về nhà vì: Nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về, cô bé sẽ bị cha đánh.
Câu 3. Nêu các chi tiết miêu tả ngoại hình của cô bé bán diêm? Những chi tiết đó giúp em hình dung như thế nào về cuộc sống của nhân vật.
- Chi tiết miêu tả ngoại hình của cô bé bán diêm:
- Đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối.
- Ngồi nép vào một góc tường, giữa hai ngôi nhà.
- Thu đôi chân cho đỡ lạnh nhưng càng lúc càng rét buốt hơn.
- Đôi bàn tay cứng đờ ra vì lạnh giá.
- Cuộc sống của nhân vật qua chi tiết: Sự nghèo khổ thiếu thốn không chỉ về vật chất mà còn là về tinh thần, thiếu đi tình yêu được bao bọc của những người thân trong gia đình.
Câu 4. Những hình ảnh xuất hiện sau mỗi lần quẹt diêm thể hiện những ước mong nào của cô bé bán diêm? Theo em, có thể thay đổi trình tự xuất hiện của các hình ảnh đó không.
- Ước mong của cô bé:
- Lần thứ nhất: Mơ ước có lò sưởi - mong muốn lúc này có được sự ấm áp.
- Lần thứ hai: Mơ ước căn phòng có bàn ăn, trên bàn có ngỗng quay - mong muốn được no bụng.
- Lần thứ ba: Mơ ước có cây thông Noel - mong muốn được đón giao thừa như mọi người.
- Lần thứ tư: Mơ ước được gặp lại bà - mong muốn được che chở, yêu thương.
- Lần cuối cùng: Quẹt toàn bộ số diêm còn lại - để gặp lại bà và đi theo bà đến nơi hạnh phúc.
- Không thể thay đổi trình tự của các lần quẹt diêm. Bởi nó phù hợp với mong ước cũng như hoàn cảnh hiện tại của cô bé (thoải mãn từ nhu cầu từ vật chất đến tinh thần của cô bé: được sửa ấm - no bụng - niềm vui đêm giao thừa - tình yêu thương của bà).
Câu 5. Nêu cảm nhận của em về thái độ của người kể chuyện với cô bé bán diêm. Phân tích một vài chi tiết làm cơ sở cho sự cảm nhận đó.
- Thái độ của người kể chuyện: sự đồng cảm và tình yêu thương sâu sắc với số phận bất hạnh của cô bé bán diêm.
- Tác giả đã thể hiện thái độ thương cảm trực tiếp “Em bé đáng thương, bụng đói rét…”, “Em đã chết vì rét trong đêm giao thừa”, hoặc khi miêu tả cái chết của cô bé nhưng không hề đáng sợ: “một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”...
Câu 6. Đọc lại một số câu văn miêu tả lại cách ứng xử của người đi đường trước tình cảnh của cô bé bán diêm. Em nghĩ gì về cách ứng xử của họ.
- Một số câu văn miêu tả lại cách ứng xử của người đi đường:
- Khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em, chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh.
- Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.
- Mọi người bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm!”....
- Đây là thái độ và sự ứng xử thờ ơ, vô cảm và không có tình yêu thương giữa con người đối với con người.
Câu 7. Trong truyện, tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh, chi tiết tương phản như: cảnh đoàn tụ của các gia đình trong đêm giao thừa với cảnh giá rét, đơn độc ngoài đường phố của cô bé bán diêm; không khí tươi vui ngày đầu năm mới với cảnh tượng em bé chết rét nơi xó tường. Em hãy chỉ ra ý nghĩa, tác dụng của một vài chi tiết, hình ảnh đó.
Với những chi tiết, hình ảnh đó, tác giả đã làm nổi bật tình cảnh vô cùng đáng thương của cô bé bán diêm.
Câu 8. Những câu chuyện cổ tích thường kết thúc có hậu: nhân vật chính được hưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Theo em, truyện cổ tích Cô bé bán diêm có kết thúc như vậy không? Vì sao.
Kết truyện có hậu. Hình ảnh cô bé chết nhưng vẫn mỉm cười - nụ cười khi được đoàn tụ với bà được tác giả tưởng tượng nhằm giảm bớt nỗi đau cho câu chuyện. Cái kết này đã phản ánh được ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc của con người.
Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) với nhan đề: Gửi tác giả truyện cô bé bán diêm.
- Gợi ý:
- Đối tượng sẽ đọc: tác giả An-đéc-xen
- Cách xưng hô: thể hiện sự tôn trọng với người đọc (ví dụ: cháu)
- Nội dung đoạn văn: trình bày suy nghĩ, cảm nhận về tác phẩm.
- Bài mẫu:
Mẫu 1
Gửi tác giả truyện Cô bé bán diêm, nhà văn An-đéc-xen. Cháu đã đọc khá nhiều tác phẩm của ông. Và “Cô bé bán diêm” chính là tác phẩm mà cháu yêu thích nhất. Đây quả là một câu chuyện cảm động với tính nhân văn sâu sắc. Cháu chắc chắn không thể quên được hình ảnh cô bé trong truyện. Trong đêm giao thừa rét mướt, một cô bé đầu trần, chân đi đất, bụng đói nhưng phải đi bán diêm. Nhưng không một ai đi qua chú ý đến sự tồn tại của cô bé hay động lòng thương mua giúp cô một hộp diêm. Để rồi cô bé bán diêm đã chết rét trong đêm giao thừa lạnh giá. Chắc hẳn với câu chuyện này, nhà văn đã muốn tố thái độ và sự thờ ơ, vô cảm của con người trong xã hội đó. Nhưng với cháu, hình ảnh cô bé chết nhưng vẫn mỉm cười - nụ cười khi được đoàn tụ với bà mới là ấn tượng nhất. Có thể khẳng định rằng, truyện “Cô bé bán diêm” quả là một tác phẩm hấp dẫn, nhân văn.
Mẫu 2
Gửi tác giả truyện Cô bé bán diêm. Cháu rất thích đọc truyện của ông, đặc biệt là tác phẩm Cô bé bán diêm. Dưới ngòi bút nhân văn của ông, truyện đã mang đến cho mỗi người đọc bài học ý nghĩa về cuộc sống. Giữa đêm giao thừa rét mướt, khi mọi người trong khu phố ở trong nhà quây quần bên gia đình thì một cô bé phải lang thang để bán diêm. Những người đi ngoài đường không hề đoái hoài đến cô bé đáng thương. Khi đọc đến những đoạn văn miêu tả hình ảnh cô bé, cháu đã cảm thấy thật xót xa. Đặc biệt nhất, trong câu chuyện của mình, nhà văn còn thỏa mãn ước mơ của cô bé bằng những mộng tưởng. Cái kết của truyện khiến cho cháu cảm thấy ám ảnh nhất. Hình ảnh cô bé chết đi nhưng đôi vẫn má hồng, còn đôi môi đang mỉm cười đã giúp người đọc có thêm hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc ở nơi thiên đường của cô bé. Tác phẩm của ông đã chứa đựng một giá trị nhân văn cao đẹp.
Xem thêm tại: Viết đoạn văn với nhan đề Gửi tác giả truyện Cô bé bán diêm