Tràn ngập xe tự ráp, xe cũ tân trang
Nhiều điểm bán xe đạp điện đang trưng bày các dòng xe phổ thông sản xuất trong nước như Hitasa, BMX, Pega… Với những xe dùng bình ắc quy, giá thường dao động từ 7,5 - 9,5 triệu đồng/chiếc, còn xe sử dụng pin lithium có giá từ 10 - 14 triệu đồng/chiếc. Loại xe có giá từ 7,5 - 10 triệu đồng/chiếc được khách chọn khá nhiều do hợp túi tiền.
Tại cửa hàng xe đạp điện K.T. ở Q.Bình Tân (TPHCM), người bán giới thiệu các dòng xe sản xuất trong nước, nhưng khi nói về giá, lại giải thích rằng, phụ tùng, động cơ xe nhập từ Trung Quốc, nguồn hàng khan hiếm nên phải tăng giá.
Mỗi ngày, một cơ sở chuyên lắp ráp xe đạp điện Asaka (trên đường số 2, Q.Bình Tân) cho ra lò gần trăm chiếc xe. Sau khi được lắp ráp, xe được đem giao sỉ cho các cửa hàng ở TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhân viên của cơ sở này cho biết, hầu hết xe đạp điện trên thị trường hiện nay đều thuộc diện lắp ráp, tức khung xe do Việt Nam sản xuất còn phụ tùng như bánh xe, căm xe, phuộc, mô tơ, bình ắc quy/pin, dây điện… được nhập từ Trung Quốc. Khi lắp ráp thành chiếc xe hoàn chỉnh, cơ sở muốn dán thương hiệu nào cũng được.
Trong bối cảnh giá xăng tăng cao, nhiều người tiêu dùng chọn mua xe điện làm phương tiện di chuyển - Ảnh: Thanh Hoa |
“Chất lượng xe phụ thuộc vào mô tơ, ắc quy/pin. Động cơ nhập của Trung Quốc có loại tốt nhưng cũng có loại kém chất lượng. Công ty luôn sử dụng động cơ tốt để lắp ráp. Hiện giờ, khách chuộng xe sử dụng bình ắc quy hơn pin do giá rẻ hơn, lại ít có nguy cơ cháy, nổ hơn” - nhân viên cơ sở trên nói.
Theo nhiều chủ cửa hàng ở TPHCM, do thu nhập giảm, giá xăng liên tục tăng, khách hàng có xu hướng chọn mua xe đạp điện/xe điện cho trẻ tự đi học thay vì đưa đón bằng xe máy. Vì lý do tài chính, thay vì mua xe mới, nhiều người chọn mua xe cũ đã được các cửa hàng sửa chữa, tân trang lại. Ở nhiều cửa hàng trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình), Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú), Cách Mạng Tháng Tám (Q.10), xe đạp điện/xe điện chỉ có giá từ 3 - 5 triệu đồng/chiếc nhưng xe được các chủ cửa hàng độ thêm nhiều phụ kiện như đèn led, đèn xi nhan, bình dầu, kích tốc độ… không khác gì xe tay ga và không theo tiêu chuẩn nào. Người mua cũng không quan tâm mấy đến độ an toàn, chất lượng.
Ông Quang - chủ một cửa hàng sửa chữa xe đạp điện, xe máy trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) - cho biết, do tiền thay pin quá cao (khoảng 4 triệu đồng/cục) nên khi xe đạp điện bị hư pin, chủ xe thường bán xe thay vì thay pin mới. Các cửa hàng sẽ thu mua xe cũ về tân trang và thay bằng bình ắc quy có giá 500.000 đồng/bình. “Ở đây, chúng tôi đều thay bình ắc quy và mô tơ mới. Hiện bình ắc quy Trung Quốc đang khan hiếm nên nhiều cửa hàng dùng bình giá rẻ để thay” - ông Quang thông tin.
Nguy cơ cháy, nổ
Tình trạng tự lắp ráp, độ xe là nguyên nhân của không ít vụ cháy, nổ xe đạp điện, xe máy điện thời gian qua. Tối 16/1, một xe máy điện đang được sạc tại bãi giữ xe ở một chung cư tại P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức, TPHCM) đã bốc cháy, sau đó cháy lan sang một số xe máy điện khác. Nếu không được chữa cháy kịp thời, vụ việc này có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Ông Lê Yên Thanh - CEO Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa MaaS, người có tên trong danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2022 - cho biết, xe đạp điện gắn bình ắc quy hay pin đều có nguy cơ cháy, nổ như nhau. Theo ông, pin sử dụng trong xe đạp điện là pin lithium - loại pin dùng cho điện thoại và laptop. Các hãng sản xuất xe dùng loại pin tốt, xấu khác nhau. Pin tốt bảo đảm quy chuẩn về an toàn, còn pin kém chất lượng sẽ có mạch điện tử bảo vệ pin kém, thiếu hụt cực âm dương. Khi gặp các yếu tố như sạc quá mức, bị nguồn nhiệt từ bên ngoài ảnh hưởng hoặc bị tác động cơ học như va đập, pin sẽ bị phù, nóng lên và phát cháy. Pin có chất lượng tốt nhưng nếu dùng quá lâu ngày, được cắm sạc qua đêm nhiều lần cũng bị quá tải, ảnh hưởng đến công suất và dễ cháy, nổ khi bị va đập.
Nguy cơ cháy, nổ cũng xảy ra với xe dùng bình ắc quy nếu bình kém chất lượng, mối nối trên bình không được cách điện tốt, chì và a-xít trong bình bị tràn ra ngoài hoặc dùng lâu ngày nhưng không bảo dưỡng, sạc bình quá lâu, nguồn điện sạc không ổn định. “Mỗi sản phẩm pin/ắc quy, mô tơ trên xe đều có công suất nhất định. Việc các chủ cửa hàng tự thay đổi kết cấu, độ thêm nhiều phụ kiện dễ dẫn tới quá tải nguồn điện hoặc khiến thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện làm xe phát nổ” - ông Lê Yên Thanh khuyến cáo.
Cách dùng pin và bình ắc quy an toàn Theo đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, ngoài lựa chọn xe có thương hiệu uy tín, việc sạc pin/bình ắc quy đúng cách sẽ giúp bảo vệ xe an toàn. Chỉ nên sạc khi pin gần hết và không được sạc qua đêm và nên dùng nguồn điện phù hợp để sạc cho xe. Mỗi cục pin/bình ắc quy đều có hạn sử dụng, không nên sử dụng quá lâu vì không đảm bảo công suất và độ an toàn. Nên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống pin/bình ắc quy ba tháng/lần. Nếu thấy pin/bình ắc quy bị phồng lên, khi sạc ngửi thấy mùi khét thì cần thay mới và chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Nên dùng dụng cụ sạc chính hãng (cùng hãng với pin/bình ắc quy) để đảm bảo dòng điện đi vào chuẩn và ổn định. Không tác động mạnh vào pin/bình ắc quy, không để xe nơi có nhiệt độ cao, không nên thay đổi kết cấu xe. |
Thanh Hoa