Kawaii là gì?
Kawaii hẳn là một từ rất quen thuộc với những ai yêu thích văn hóa Nhật Bản. Người ta thường thốt lên từ này mỗi khi trông thấy một thứ gì xinh xắn đáng yêu. Chính xác thì trong xã hội hiện đại, “Kawaii - 可愛い” mang ý nghĩa dễ thương, đáng yêu hoặc dễ mến. Ít ai ngờ rằng, một từ dùng để chỉ sự dễ thương lại có nguồn gốc lâu đời khi xuất hiện từ khoảng hơn 1.000 năm trước.
Lịch sử ghi chép lại, Kawaii xuất phát từ một từ cổ là “Kaohayushi - 顔 映し”, dịch là “khuôn mặt đỏ bừng”, dùng để miêu tả khuôn mặt ửng đỏ vì xấu hổ hoặc tội lỗi. Sau một thời gian, khi cách đọc của “Kaohayushi” bị biến thành “Kawayushi - かわゆし”, thì ý nghĩa của nó cũng thay đổi theo. “Kawayushi” không mang ý nghĩa khuôn mặt đỏ bừng mà đại diện cho rất nhiều cảm xúc khác như: xấu hổ, đáng thương, dễ bị tổn thương, nhỏ bé, dễ thương và đáng yêu. Kể từ thời Muromachi (1336 - 1573), “Kawayushi” được chuyển thành "Kawaii", với ý nghĩa được dùng như hiện nay là "dễ thương" và "đáng yêu".
Văn hóa Kawaii trong mắt người Nhật
Có một sự liên quan giữa “lược đồ em bé” (baby schema)* của Nhà Thần thoại học Konrad Lorenz với văn hóa Kawaii tại Nhật. Chẳng hạn như việc người phụ nữ được xem là dễ thương khi mang theo những nét trẻ con cả về thể chất lẫn tinh thần; hay một cô gái có giọng nói thỏ thẻ trong veo, đôi mắt to tròn ngây thơ thì sẽ được gọi là “Kawaii”. Trong nhiều sản phẩm Kawaii tại Nhật, những nhà sản xuất đã khéo léo kết hợp những yếu tố thuộc lý thuyết “lược đồ em bé” vào. Do đó, những sản phẩm này trở nên thu hút trong mắt nhiều người thuộc nhiều độ tuổi.
Ngoài ra, khoa học cũng đã chứng minh được lợi ích đặc thù mà những yếu tố Kawaii mang lại cho con người. Trong một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Hiroshima, sau khi thực hiện một số thí nghiệm trên sinh viên, họ phát hiện ra rằng hiệu suất của sinh viên trong nhiều nhiệm vụ khác nhau được cải thiện sau khi xem những hình ảnh dễ thương của chó con và mèo con. Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng, hiệu suất tăng xuất phát từ khả năng tập trung tăng lên sau khi xem những hình ảnh dễ thương. Do đó, nhóm nghiên cứu này cũng ủng hộ việc sử dụng những hình ảnh và đồ vật dễ thương trong không gian làm việc để nâng cao năng suất của nhân viên.
*Lược đồ em bé: một tập hợp các đặc điểm khuôn mặt và cơ thể khiến một sinh vật trông "dễ thương" và kích hoạt người khác sự thôi thúc để chăm sóc nó.
Sự tồn tại của văn hóa Kawaii trong đời sống người Nhật
Sự hình thành và phát triển của Kawaii được thể hiện rõ nét nhất qua nhiều yếu tố, chẳng hạn như chữ viết tay, các vật phẩm, phong cách sống...
Chữ viết tay Kawaii
Sự phát triển của chữ viết tay Kawaii bắt đầu vào những năm 1970. Trong những năm này, các nữ sinh Nhật Bản đã dùng bút chì bấm để tạo ra phong cách chữ viết tay mới thanh mảnh hơn. Bút chì bấm khiến cho những con chữ trở nên khác hẳn so với font chữ viết tay truyền thống của Nhật Bản cả về độ dày và độ cao của con chữ. Những con chữ này sẽ tròn trịa hơn, được trang trí thêm trái tim, ngôi sao, kaomoji và cả các ký tự Latin.
Thời điểm đó, lối viết này gần như đã thành xu hướng tuy nhiên nó lại bị cấm ở nhiều trường học bởi vì chữ viết phong cách này trông khó đọc hơn so với chữ viết thông thường. Thế nhưng trong suốt những năm 1980, cách viết "dễ thương" mới mẻ này đã được các tạp chí và truyện tranh sử dụng cho trang bìa hay trang quảng cáo.
Trong khoảng thời gian từ năm 1984 - 1986, ông Kazuma Yamane (山根 一 眞) đã nghiên cứu sâu về sự phát triển của chữ viết tay dễ thương. Loại chữ viết tay dễ thương của Nhật Bản này còn được gọi là: marui ji (丸い字), koneko ji (小猫字), manga ji (漫画字) và buriko ji (鰤子字). Mặc dù người ta thường cho rằng phong cách viết này là do thanh thiếu niên học từ truyện tranh, nhưng ông cho rằng những thanh thiếu niên ấy đã tự nghĩ ra phong cách này một cách tự phát như một xu hướng ngầm.
Vật phẩm Kawaii
Bên cạnh sự phát triển của chữ viết Kawaii chính là sự trỗi dậy của những vật phẩm, hàng hóa Kawaii. Ông Tomoyuki Sugiyama (杉山 奉 文), tác giả của Cool Japan, cho rằng thời trang dễ thương ở Nhật Bản có thể bắt nguồn từ thời Edo với sự phổ biến của Netsuke - nghệ thuật điêu khắc gỗ đương đại. Trong những năm từ 1950 - 1970, những hình ảnh về các nhân vật đáng yêu (yurukara) xuất hiện trong các tạp chí dành cho nữ sinh Nhật Bản cũng là một minh chứng cho sự phát triển của văn hóa - thẩm mỹ Kawaii.
Sự ra đời của Hello Kitty được cho là thuận theo xu hướng phát triển của Kawaii. Sau khi ra mắt, Hello Kitty đã thành công ngay lập tức và tạo nên “cơn sốt” về sự dễ thương. Sau đó, Sanrio - công ty tạo ra Hello Kitty - đã phát hành thêm các nhân vật Kawaii với tính cách sâu sắc hơn, thu hút khán giả lớn tuổi hơn, chẳng hạn như Gudetama và Aggretsuko. Những nhân vật này nhận được sự yêu thích mạnh mẽ từ người hâm mộ bởi nét tính cách khác biệt bên cạnh sự dễ thương.
Phong cách thần tượng
Vào những năm 1980, người ta bắt đầu nhận thấy được sự trỗi dậy của những thần tượng dễ thương. Và Seiko Matsuda được cho là người khiến xu hướng này trở nên phổ biến. Sau đó, phụ nữ Nhật bắt đầu bắt chước Seiko Matsuda ở phong cách thời trang cũng như cách cư xử dễ thương của cô. Những thứ đó đã làm bật lên sự ngây thơ của các cô gái trẻ. Thị trường vật phẩm Kawaii ở Nhật Bản đã từng chịu tác động lớn bởi nhóm đối tượng những cô gái Nhật Bản từ 15 - 18 tuổi.
Phong cách sống
Trong văn hóa Nhật Bản ngày nay, Kawaii được thể hiện theo nhiều cách. Không chỉ nữ giới mà cả nam giới cũng yêu thích văn hóa Kawaii. Có thể thấy, nhiều nam diễn viên, ca sĩ để tóc dài hơn. Một số chàng trai còn “tiễn” lông chân để tạo nên vẻ ngoài như trai mới lớn. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy phụ nữ Nhật Bản thích một ngoại hình dễ thương cùng khuôn mặt bầu bĩnh như trẻ con với nét ngây thơ hiện lên trong cặp mắt to tròn. Thực tế cho thấy, một số phụ nữ Nhật còn cố gắng thay đổi kích thước mắt bằng cách đeo kính giãn tròng, gắn lông mi to, trang điểm mắt đậm hay phẫu thuật mí mắt.
Phong cách thời trang
Về phương diện thời trang, phong cách Lolita tại Nhật Bản là một xu hướng thời trang phổ biến, vượt qua biên giới Nhật Bản và trở nên phổ biến ngay cả tại những quốc gia phương Tây. Phong cách Lolita chia thành nhiều nhánh nhỏ như Gothic Lolita, Classic Lolita, Old-school Lolita… trong đó trang phục được thiết kế gồm những vật liệu như ren, ruy băng, tạp dề,… Phong cách thời trang này mang theo một nét riêng, trang phục khá kín đáo tạo nên sự dễ thương, ngây thơ nhưng trong đó vẫn toát lên vẻ quyến rũ tiềm ẩn.
Một số cách dùng từ "Kawaii"
Kawaii sử dụng trong tiếng Nhật có thể xem là loại từ nặng về ngữ cảnh. Điều này có nghĩa là Kawaii dùng trong những ngữ cảnh khác nhau có thể hiểu theo những nghĩa khác nhau. Tương tự như cách dùng từ “nice” trong tiếng Anh vậy, Kawaii thường dùng để thể hiện sự tích cực của một sự vật, sự việc một cách chung chung. Chẳng hạn như:
- Một hình thức khen ngợi vô thưởng vô phạt
- Một cách gián tiếp thể hiện sự thích hoặc yêu ai đó
Và bởi vì Kawaii gợi lên nhiều loại cảm xúc, nó có thể có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Nhìn chung thì phần đông người Nhật vẫn dùng Kawaii để nói về sự ngây thơ, trong trẻo, đáng yêu hoặc sự ngây ngô của những đứa trẻ.
kilala.vn