Truyện cổ tích được xem là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong hành trình khôn lớn của mỗi đứa trẻ. Ngoài những yếu tố kỳ diệu và tươi sáng, mỗi bộ truyện còn đem lại từng bài học đạo đức về hạnh phúc, công bằng và lẽ phải. Ngay sau đây, hãy cùng Coolmate điểm qua danh sách các bộ truyện nổi tiếng đã đi qua bao thế hệ con người Việt Nam nhé!
Tổng hợp 35 truyện cổ tích Việt Nam hay
1. Truyện cổ tích Tấm Cám
Tấm Cám là câu truyện cổ tích Việt Nam kể về cuộc đời của cô Tấm hiền lành, xinh đẹp nhưng mồ côi mẹ từ sớm. Bố Tấm lấy vợ kế được một thời gian thì mất, Tấm phải sống cùng mụ dì ghẻ và cô em gái Cám ác độc. Hai mẹ con luôn hành hạ, đánh đập và ngược đãi nàng. Tất cả công việc trong nhà từ lớn đến nhỏ, từ trong ra ngoài đều do một tay Tấm lo liệu.
Mỗi lần Tấm khóc vì uất ức, Bụt sẽ hiện lên an ủi và giúp đỡ nàng. Một ngày nọ, trong làng tổ chức lễ hội tuyển vợ cho vua và Tấm đã trở thành hoàng hậu nhờ sự giúp đỡ của Bụt. Nhưng mẹ con Cám vẫn không buông tha, tìm đủ mọi cách giết nàng để Cám lên làm hoàng hậu.
Tấm Cám
Sau khi chết, Tấm lần lượt hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và quả thị nhưng đều bị hai mẹ con Cám hãm hại. Trải qua bao khó khăn, cuối cùng Tấm cũng được đoàn tụ với vua và sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Còn mẹ con Cám phải chịu trừng phạt thích đáng vì những tội ác mình gây ra.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích đề cao lòng vị tha, sự chăm chỉ và nỗ lực của con người. Đồng thời là minh chứng cho câu “ở hiền gặp lành”.
2. Truyện cổ tích Cây Tre Trăm Đốt
Truyện cổ tích Việt Nam kể về anh chàng Khoai mồ côi cha mẹ, tính tình hiền lành, tốt bụng. Anh làm thuê cho nhà phú ông và vì muốn lợi dụng nên phú ông đã hứa sẽ gả con gái cho Khoai nếu anh làm việc chăm chỉ. Đến ngày cưới, phú ông thách anh phải tìm được cây tre trăm đốt mới đồng ý gả con gái cho.
Khoai quyết tâm vào từng tìm cây tre có đủ một trăm đốt nhưng tìm mãi chẳng thấy, anh ngồi khóc. Lúc này Bụt xuất hiện và bảo Khoai đi đốn đủ một trăm đốt tre rời và chỉ cho anh 2 câu thần chú.
Cây Tre Trăm Đốt
Đó là “Khắc nhập, khắc nhập” để gắn các đốt tre lại với nhau và “Khắc xuất, khắc xuất” để tách rời chúng. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của Bụt, phú ông phải đồng ý gả con gái cho chàng Khoai tốt bụng.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích nói lên rằng những chăm chỉ, cần cù và chịu khó làm việc sẽ có thể vượt qua mọi khó khăn. Kỳ tích sẽ luôn đến với người hiền lành, lương thiện. Còn những người ích kỷ, tính toán và xấu xa sẽ nhận phải quả báo thích đáng.
3. Sự Tích Trầu Cau
Bộ truyện cổ tích kể về 2 anh em sinh đôi giống nhau như đúc, người anh tên Tân và người em là Lang. Họ hết mực yêu thương và chăm sóc nhau. Nhưng từ khi Tân có vợ, tình cảm giữa họ dần trở nên xa cách. Một hôm khi 2 anh em đi làm đến tối mịt mới về đến nhà, Lang vào nhà trước.
Chị dâu tưởng đó là Tân nên ôm chầm lấy. Vừa lúc ấy, Tân bước vào chứng kiến nên tức giận và lạnh nhạt với Lang. Vì buồn tủi và áy náy, người em đã bỏ nhà ra đi rồi đến bên dòng sông ngồi khóc và sau đó hóa thành đá.
Sự Tích Trầu Cau
Người anh đi tìm em mãi không thấy nên đã tựa vào tảng đá than khóc rồi hóa thành cây cau. Người vợ vì lo lắng cho chồng mà vội vã đi kiếm, đến nơi nàng tựa vào gốc cây cau khóc thảm thiết và cuối cùng biến thành dây trầu quấn lấy thân cau.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích thể hiện tình cảm anh em máu mủ thắm thiết và gắn bó, tình nghĩa vợ chồng đôi lứa son sắt, keo sơn.
4. Sự Tích Dã Tràng
Truyện cổ tích kể về chàng thanh niên Dã Tràng tốt bụng, vì ra tay cứu giúp rắn đực mà được nó tặng cho một viên ngọc quý. Nhờ vậy, Tràng có thể hiểu được hết tiếng nói của các loài động vật.
Tuy nhiên cũng chính vì viên ngọc, Dã Tràng bị dân làng hãm hại. Nhưng cũng nhờ việc nghe hiểu lời động vật nói, anh đã thoát tội. Sau đó nhờ cứu mạng một đôi ngỗng mà anh được tặng thêm một viên ngọc quý.
Sự Tích Dã Tràng
Song, vì lòng tham mà người vợ gắn bó nhiều năm cũng phản bội Dã Tràng. Quá tức giận, anh quyết tâm đem cát đi lấp biển cho đến chết vì kiệt sức. Cuối cùng, anh biến thành con Dã Tràng và ngày ngày xe cát biển đông.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích nói lên rằng người có lòng tham vô đáy và làm chuyện xấu sẽ bị trừng phạt thích đáng.
5. Sự Tích Cây Vú Sữa
Sự Tích Cây Vú Sữa là câu truyện cổ tích kể về một cậu bé được mẹ yêu thương, nuông chiều nên ham chơi và không vâng lời. Một lần bị mẹ mắng, cậu đã bỏ nhà đi la cà khắp nơi mãi không chịu về. Vì quá thương nhớ con, người mẹ đã gục xuống khóc và hóa thành cây bên góc nhà.
Sự Tích Cây Vú Sữa
Khi quay trở về không thấy mẹ đâu, cậu đã khóc nức nở. Cậu bé ôm lấy gốc cây và gào khóc thảm thiết, từ trên cây bất ngờ rơi xuống một loại quả. Vỏ bên ngoài của quả rất chát nhưng bên trong lại ngọt ngào như dòng sữa mẹ. Kể từ đó về sau, nhân gian gọi đó là cây vú sữa.
Ý nghĩa nhân văn:
Câu truyện cổ tích nhắn nhủ con cái phải biết vâng lời và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ khi còn cơ hội. Tình mẹ là thứ thiêng liêng, bao la và vĩnh cửu nhất không gì sánh bằng.
6. Cậu Bé Thông Minh
Cậu bé thông minh là truyện cổ tích Việt nam kể về việc nhà vua tìm hiền tài cho đất nước bằng nhiều câu hỏi hóc búa. Ngày nọ, có hai cha con đang làm ruộng và được quan viên thách đố, nhưng cậu bé vẫn có thể trả lời thoăn thoắt. Cậu còn dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông” để giải đố và giúp dân làng thoát tội khiến nhà vua và các viên quan nể phục.
Cậu Bé Thông Minh
Sau đó cậu còn giải được nhiều câu hỏi khó hơn và trả lời được cả câu hỏi của sứ giả nước láng giềng, giúp đất nước tránh được chiến tranh. Để tỏ lòng biết ơn và kêu gọi dân chúng noi gương, nhà vua đã xây dinh thự cạnh hoàng cung cho cậu và phong cậu làm Trạng Nguyên.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích đề cao trí khôn dân gian và sự nhanh nhẹn của con người. Đồng thời ca ngợi những người sáng dạ và biết vận dụng vào cuộc sống. Truyện còn trở thành biểu tượng tiêu biểu cho tuổi trẻ: Tài cao, sắc sảo nhưng cũng không kém phần bản lĩnh, dí dỏm.
7. Câu Chuyện Bó Đũa
Truyện cổ tích kể về 4 anh em trong gia đình nọ luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Nhưng lớn lên khi ai cũng có vợ, tình cảm giữa họ bắt đầu bị chia rẽ và thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn khiến người cha rất buồn phiền. Một hôm, ông gọi 4 người con lại và đưa cho họ bó đũa.
Người cha bảo ai có thể dùng tay bẻ gãy hết bó đũa sẽ có thưởng lớn. Dù rất cố gắng, nhưng không ai thực hiện được thử thách này. Sau đó người cha đi đến và lấy từng chiếc đũa ra và bẻ gãy dễ dàng.
Câu Chuyện Bó Đũa
Những người con không phục và cho rằng bẻ gãy từng chiếc đũa không có gì khó. Qua đó, ông muốn nhắn nhủ với các con về sự sức mạnh đoàn kết và hậu quả của sự chia rẽ. Bốn người con liền hiểu ý và hứa sau này sẽ sống yêu thương, đùm bọc nhau.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích mang đến một bài học sâu sắc về sức mạnh của sự đoàn kết trong cuộc sống. Anh em trong nhà phải yêu thương, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau trước khó khăn.
8. Sọ Dừa
Ngày xưa có 2 vợ chồng nghèo hiền lành, tốt bụng và chăm chỉ sống với nhau đã lâu nhưng mãi chưa có con. Một ngày nọ đang trên đường đi ra đồng, người vợ nhìn thấy một cái sọ dừa chứa đầy nước và bà đã bưng lên để uống hết nước bên trong.
Sau khi về nhà được vài ngày, bà mang thai và sinh ra một đứa bé không tay không chân, tròn như quả dừa rồi đặt tên là Sọ Dừa. Thời gian thoi đưa, Sọ Dừa lớn lên và đi chăn bò cho nhà phú ông.
Sọ Dừa
Trong khi 2 người con gái lớn của nhà phú ông luôn hắt hủi và bắt nạt, thì cô em gái út luôn đối xử tốt và đem lòng yêu thương Sọ Dừa. Về nhà, cậu xin mẹ đến hỏi cưới cô em gái út làm vợ.
Đến ngày cưới, Sọ Dừa biến thành chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú. Sau đó, chàng chăm chỉ học hành và đỗ trạng nguyên. Tuy nhiên, người vợ ở nhà đã bị 2 cô chị hãm hại. Cuối cùng sau bao khó khăn, 2 vợ chồng Sọ Dừa cũng được đoàn tụ và sống hạnh phúc với nhau mãi về sau.
Ý nghĩa nhân văn:
9. Sự Tích Hồ Gươm
Truyện cổ tích kể về việc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn được Long Quân cho mượn gươm thần để đánh đuổi giặc Minh. Trong 3 lần kéo lưới, một người dân đánh cá tên là Lê Thận đều kéo vào cùng một thanh sắt. Nhưng khi nhìn kỹ thì phát hiện đó là một thanh gươm.
Khi bị giặc đuổi đánh, Lê Lợi đã chạy vào rừng sâu và nhìn thấy trên cây đa có một chuôi gươm nạm ngọc. Sau khi được tra vào nhau, lưỡi gươm và chuôi gươm vừa in như đúc. Lúc bấy giờ, vua Lê Lợi mới biết đó là gươm thần. Từ đó, nghĩa quân của ta đi đến đâu tan quân xâm lược đến đó.
Sự Tích Hồ Gươm
Một năm sau khi thắng trận khi vua Lê Lợi đang dạo thuyền rồng trên hồ Tả Vọng, có một con Rùa Vàng ngoi lên và đòi lại gươm thần. Kể từ đó, hồ Tả Vọng được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm như ngày nay.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích ca ngợi và đề cao tinh thần đánh đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước của vua Lê Lợi. Thể hiện ước muốn của dân ta về một cuộc sống hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
10. Thánh Gióng
Thánh Gióng là câu truyện cổ tích về đời Vua Hùng Vương thứ 6, ở ngôi làng Gióng có 2 vợ chồng hiền lành và tốt bụng sống với nhau đã lâu nhưng không có con. Một ngày nọ khi ra đồng và nhìn thấy vết chân to khổng lồ, người vợ thấy vậy liền đặt chân vào ướm thử.
Không ngờ sau khi trở về nhà, bà liền mang thai và hạ sinh ra một cậu bé khôi ngô tuấn tú sau 12 tháng. Nhưng đến 3 tuổi, cậu vẫn chưa biết biết đi và không biết nói, biết cười.
Mãi đến khi có sứ giả đến loan tin tìm người đánh đuổi giặc Ân, lúc này Thánh Gióng mới cất tiếng nói đầu tiên sau 3 năm. Cậu xin vua làm cho mình một con ngựa sắt, một chiếc áo giáp sắt và một thanh roi sắt để đi đánh giặc.
Thánh Gióng
Từ hôm ấy, Thánh Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng chả no, áo vừa mặc vào liền đứt chỉ. Khi nghe tin giặc đến chân núi, cậu bé 3 tuổi bỗng vươn vai và trở thành tráng sĩ to lớn, khỏe mạnh xông lên giết giặc.
Roi sắt gãy, Thánh Gióng liền nhổ bụi tre ven đường và đánh tan quân giặc. Đánh giặc xong, Thánh Gióng cởi bỏ áo giáp sắt và cưỡi ngựa bay về trời. Vì nhớ ơn Thánh Gióng, Vua Hùng đã lập đền thờ tại quê nhà và phong làm Phù Đổng Thiên Vương.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam khi chống giặc ngoại xâm. Ngoài ra, truyện còn nói lên những sự tiềm tàng và ẩn sâu bên trong con người kỳ dị.
11. Sơn Tinh - Thuỷ Tinh
Đây là câu truyện cổ tích vào đời Vua Hùng thứ 18 có cô công chúa Mị Nương xinh đẹp, hiền dịu và nết na tên. Nhà Vua muốn kén rể cho con gái một người chồng xứng đáng. Một hôm, có 2 chàng trai đến cầu hôn là Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Cả 2 đều là người tài giỏi nên nhà vua đã ra điều kiện sáng mai ai mang sính lễ đến trước sẽ cưới được Mị Nương. Lễ vật bao gồm 100 ván cơm nếp, 200 nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa và ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”.
Sơn Tinh - Thuỷ Tinh
Sáng hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến trước và rước công chúa Mị Nương về núi Tản Viên. Vì đến sau, Thủy Tinh nổi giận đùng đùng và đã đem quân đuổi đánh Sơn Tinh để cướp Mị Nương về.
Thủy Tinh dâng nước cao bao nhiêu, Sơn Tinh dâng núi cao lên bấy nhiêu. Cả 2 quyết chiến với nhau ròng rã suốt mấy tháng trời, nhưng cuối cùng Thủy Tinh đành chịu thua và rút quân. Nhưng vì thù hận, mỗi năm Thủy Tinh đều dâng nước lũ lên cao để đánh Sơn Tinh và lần nào cũng thất bại.
Ý nghĩa nhân văn:
Câu truyện cổ tích giải thích hiện tượng lũ lụt của tự nhiên vào mỗi năm, gây phá hoại mùa màng và nhà cửa của người dân. Đồng thời thể hiện sức mạnh và ước mong của con người muốn chế ngự thiên tai. Bên cạnh đó, truyện còn ca ngợi công lao dựng nước và giữ nước bao đời của các vị Vua Hùng.
12. Sự Tích Trái Dưa Hấu
Truyện cổ tích về đời Vua Hùng thứ 17 có một người con nuôi tên là Mai An Tiêm. Chàng thông minh, nhanh nhẹn và chăm chỉ nên được đức vua hết mực yêu thương và ban thưởng nhiều của ngon vật lạ. Tuy nhiên vì Mai An Tiêm cho rằng “của biếu là của lo, của cho là của nợ” nên nhà vua vô cùng tức giận.
Sau đó cả nhà Mai An Tiêm đã bị đày ra đảo hoang. Bằng trí thông minh và sự nhanh nhẹn của mình, Mai An Tiêm đã trồng được thứ quả lạ. Bên ngoài vỏ màu xanh thẳm, bên trong ruột đỏ mọng và có vị ngọt.
Sự Tích Trái Dưa Hấu
Chàng đã đổi loại trái cây này với tàu buôn để lấy gạo và muối cho gia đình. Sau khi nghe tin, vua cha rất ngạc nhiên và khâm phục tinh thần của Mai An Tiêm.
Vì vậy đã sai người đến đảo hoang đón gia đình họ về cung. Sau khi về, Mai An Tiêm đã phân phát hạt giống do dân chúng trồng và gọi là quả dưa hấu. Từ đó, loại quả này đã trở thành một loại trái cây không thể thiếu trong đời sống của người Việt Nam.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích thể hiện rằng nếu chăm chỉ và cố gắng, mọi việc sẽ thành công. Chỉ cần cần cù, siêng năng và không ngừng nỗ lực, mọi khó khăn sẽ vượt qua và sớm thu được quả ngọt.
13. Bánh Chưng Bánh Dày
Truyện cổ tích vào đời Vua Hùng thứ 6, lúc về già nhà vua có ý định truyền ngôi lại cho các con. Để tìm ra được người phù hợp nhất với ngôi vị này, nhà vua đã ra lệnh nếu ai dâng lễ vật cúng vừa ý nhân lễ cúng Tiên Vương thì sẽ truyền ngôi.
Ngay lập tức, các hoàng tử đều sai người lên đường đi tìm của ngon vật lạ quý hiếm có trên rừng dưới biển. Duy chỉ có Lang Liêu - người con trai thứ 18 không biết phải làm thế nào. Bởi từ nhỏ anh đã quen với việc đồng áng nên không biết đi đâu để tìm lễ vật.
Bánh Chưng Bánh Dày
Một đêm, Lang Liêu nằm mộng thấy một vị thần đến mách bảo rằng hãy làm ra loại bánh từ gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn. Một loại hình tròn tượng trưng cho trời và một loại hình vuông tượng trưng cho đất.
Ngày dâng lễ vật đã đến, vua cha vô cùng ưng ý bánh của Lang Liêu và chọn làm lễ vật tế lễ. Đồng thời, nhà vua cũng truyền ngôi lại cho Lang Liêu. Kể từ đó về sau, việc gói bánh chưng bánh dày bánh tét trở thành truyền thống quý báu của trong văn hóa của người Việt vào các dịp lễ, tết.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích thể hiện nền văn minh nông nghiệp của nước ta vào những buổi đầu xây dựng đất nước. Đồng thời đề cao lòng hiếu thảo và lòng tôn kính trời, đất tổ tiên của người lao động đối với các giá trị truyền thống tốt đẹp.
14. Ăn Khế Trả Vàng
Câu truyện cổ tích kể về 2 anh em nhà nọ được chia gia tài, nhưng người anh tham lam chiếm hết tài sản và chỉ để lại cho người em một cây khế. Ngày nọ, một con quạ bay đến ăn khế và trả bằng vàng giúp người em trở nên giàu có.
Ăn Khế Trả Vàng
Thấy vậy, người anh cũng làm tương tự nhưng vì bản tính tham lam nên trên đường về, túi vàng quá nặng khiến con quạ phải thả người anh rơi xuống biển và chết. Cuối cùng, người em vẫn sống tốt và hạnh phúc bên gia đình.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích muốn nhắn nhủ rằng không nên sống tham lam và ích kỷ, nếu không sẽ phải trả cái giá rất đắt. Đồng thời khuyên rằng con người nên làm việc chăm chỉ và siêng năng mới có thể gặt hái được quả ngọt.
15. Thạch Sanh Lý Thông
Thạch Sanh là câu truyện cổ tích kể về Thạch Sanh vốn là thái tử và được Ngọc Hoàng sai xuống đầu thai làm con trai của một cặp vợ chồng nông dân nghèo khổ. Mồ côi cha mẹ từ sớm, cậu sống dưới gốc cây đa và được dạy các phép thần thông, võ nghệ.
Trong một lần đi bán rượu, Lý Thông gặp Thạch Sanh và cả 2 đã kết nghĩa làm huynh đệ. Tuy nhiên, mục đích của Lý Thông là lợi dụng của Thạch Sanh để nộp mạng cho chằn tinh thay mình.
Thạch Sanh Lý Thông
Sau đó, hắn cướp công để được Đức Vua ban thưởng và gả công chúa. Công chúa bị đại bàng bắt đi, Thạch Sanh đã dùng cung tên bắn đuổi theo để giải cứu công chúa về.
Một lần nữa, Lý Thông lại tiếp tục giành công và Thạch Sanh đã nhờ vào cây đàn để giải oan. Chàng còn giúp nhà vua đẩy lùi cuộc tấn công của 18 nước chư hầu và được nhà vua gả công chúa. Còn Lý Thông đã bị trừng trị thích đáng vì những việc xấu đã làm.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích truyền tải chân lý ở hiền gặp lành, những cái xấu xa sẽ bị bài trừ. Ngoài ra còn thể hiện niềm tin và ước muốn của người xưa về một xã hội công bằng, không áp bức, bất công. Đồng thời ca ngợi hình tượng người anh hùng dân gian với tinh thần bất khuất, gan dạ và dũng cảm.
16. Của Thiên Trả Địa
Truyện cổ tích kể về 2 anh thanh niên nghèo kết nghĩa anh em. Người anh Thiên vô cùng thông minh và sáng dạ, còn người em là Địa hiền lành, chất phác và thật thà. Cả 2 đều làm nghề cày thuê cuốc mướn để sống.
Thấy anh thông minh lanh lợi, người em đã nói sẽ cố gắng làm việc để nuôi cả 2, còn anh hãy cố gắng học hành. Sau này anh thành tài, cả 2 sẽ cùng hưởng vinh hoa phú quý.
Khoảng 10 năm sau, cuối cùng Thiên cũng đỗ trạng nguyên và trở thành quan lớn trong làng. Sau khi nghe tin, Địa rất vui mừng và đã bán hết đất đai ruộng vườn để đi tìm anh.
Của Thiên Trả Địa
Thế nhưng, Thiên đã thay đổi, không nhận người quen và sai người đuổi Địa đi. Nhờ sự giúp đỡ của cô tiên, Địa có nhà cao cửa rộng và người vợ xinh đẹp. Nghe tin Địa trở lên giàu có, Thiên bèn tìm đến và yêu cầu đổi công danh sự nghiệp để lấy tài sản và người vợ của Địa.
Hôm sau khi tỉnh rượu, Thiên giật mình phát hiện mình đang sống trong căn chòi tồi tàn ở bên sông và mặc bộ đồ rách rưới. Còn Địa giờ đây vẫn giàu có và thay mình làm quan.
Ý nghĩa nhân văn:
Câu truyện cổ tích thể hiện thông điệp con người phải biết “uống nước nhớ nguồn”. Không được lấy oán báo ơn, nếu sống ích kỷ và tính toán thì trước sau cũng gặp quả báo.
17. Ai Mua Hành Tôi
Ai Mua Hành Tôi là câu truyện cổ tích kể về anh nông dân nghèo, nhờ cứu con chim sẻ tội nghiệp nên được nó tặng lọ nước thần. Nhờ lọ nước thần ấy, vợ anh bỗng trở nên xinh đẹp. Nhưng cũng vì thế đã khiến anh mất vợ vào tay vua. Bằng trí thông minh của mình, anh đã tìm lại được vợ và còn lên làm vua.
Ai Mua Hành Tôi
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích nêu bật lên tình nghĩa vợ chồng sắt son, keo sơn và bền chặt trong cuộc sống.
18. Truyện cổ tích Hồn Trương Ba - Da Hàng Thịt
Hồn Trương Ba - Da Hàng Thịt là câu truyện cổ tích đầy li kì và hấp dẫn với nhiều tình tiết bất ngờ. Sau khi chết, hồn của Trương Ba đã nhập vào xác anh Hàng Thịt và trở về với vợ nhưng người vợ không chấp nhận, đuổi anh ra khỏi nhà.
Hồn Trương Ba - Da Hàng Thịt
Cùng lúc đó, vợ anh Hàng Thịt thấy chồng ở nhà Trương Ba nên sang khóc lóc và kêu làng kêu xóm. Thế nhưng, không ai biết chồng của cô giờ chỉ còn là thân xác khi đã mang trong mình hồn của Trương Ba.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích thể hiện rằng vợ chồng phải thuỷ chung và son sắt với nhau.
19. Sự Tích Con Muỗi
Truyện cổ tích Sự Tích Con Muỗi kể về sự vong ân của người vợ Nhan Diệp trước tiền tài, vật chất và lối sống xa hoa. Xưa vì chết thảm, chồng bà là Ngọc Tâm đã dùng 3 giọt máu để cứu vợ dưới sự chỉ bảo của thần. Nào ngờ sau khi sống lại, Nhan Diệp vẫn tính nào tật nấy và đi theo người khác, bỏ lại người chồng bơ vơ.
Sự Tích Con Muỗi
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích muốn nói đến về sự vong ơn bội nghĩa của con người. Những kẻ lợi dụng tình cảm và vô ơn sẽ sớm gặp quả báo.
20. Sự Tích Chú Cuội Cung Trăng
Truyện cổ tích kể về chàng tiều phu tên Cuội. Một hôm khi vào rừng đốn củi, Cuội vô tình phát hiện hổ mẹ mớm cho hổ con một loại lá và bỗng nhiên hổ con vẫy đuôi sống lại. Chờ hổ mẹ tha con đi nơi khác, Cuội đến đào cây thuốc quý về nhà trồng.
Từ khi có cây thuốc quý, Cuội đã cứu được rất nhiều người. Tuy nhiên vợ Cuội sau khi bị bệnh tỉnh lại thì mắc chứng hay quên. Vì quên lời chồng dặn là không được tưới nước bẩn bẩn lên cây thuốc quý khiến cây thuốc bứng gốc và bay lên trời. Thấy vậy, Cuội liền túm lấy rễ cây và theo cây thuốc bay lên cung trăng.
Sự Tích Chú Cuội Cung Trăng
Ý nghĩa nhân văn:
Câu truyện cổ tích chia sẻ thông điệp rằng phải thật cẩn thận trong những việc quan trọng. Đồng thời đem đến góc nhìn thú vị và sáng tạo về ước mơ chinh phục vũ trụ rộng lớn.
21. Ông Công Ông Táo
Truyện cổ tích kể về ngày xưa có 2 vợ chồng sống hạnh phúc và mặn nồng với nhau. Người chồng là Trọng Cao và người vợ là Thị Nhi. Bỗng một hôm say rượu và nóng giận, Trọng Cao đã làm Thị Nhi tổn thương và bỏ nhà ra đi trong uất ức.
Khi lang thang trên đường, Thị Nhi đã gặp Phạm Lang và 2 người kết duyên nên nghĩa vợ chồng. Còn Trọng Cao sau khi tỉnh rượu, do quá ân hận nên đã bỏ quê đi tìm vợ. Vì quá đói khổ, Trọng Cao đã đi xin ăn và vô tình gặp lại người vợ Thị Nhi.
Vì lo sợ chồng quay về bắt gặp Trọng Cao, Thị Nhi đã bảo Trọng Cao nấp trong đống rơm ngoài vườn. Đúng lúc này, Phạm Lang quay về đốt rơm để lấy tro đi bón ruộng.
Ông Công Ông Táo
Vì giữ sự trong sạch cho Thị Nhi, Trọng Cao vẫn không dám chui ra.Trong nhà chạy ra thấy vậy, Thị Nhi đã nhảy vào đống rơm để chết theo. Phạm Lang liền nhảy vào cứu vợ và cũng bị lửa thiêu chết.
Ngọc Hoàng thấy xót thương nên đã phong cho cả 3 người họ trở thành Táo Quân trông coi bếp núc, đất đai và chợ búa. Hằng năm vào ngày 23 Tết, họ sẽ lên trời bẩm báo lại những việc đã xảy ra ở nhân gian trong một năm qua.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích giúp ta hiểu được việc tại sao người người nhà nhà đều cúng Ông Công Ông Táo vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Bên cạnh đó, truyện cũng thể hiện tình cảm vợ chồng sắt son, gắn bó với nhau.
22. Sự Tích Bông Hoa Cúc Trắng
Truyện cổ tích kể về 2 mẹ con nghèo sống nương tựa vào nhau, trải qua cuộc sống ngày qua ngày bình yên. Bỗng một ngày nọ, người mẹ bị bệnh rất nặng và cô con gái thương mẹ đã tìm đủ mọi cách để chạy chữa. Vì nhà nghèo không có tiền, cô bé chỉ biết buồn bã khóc nức nở.
Thấy vậy, một ông lão thấy bèn bày cho cô đi tìm bông hoa cúc trắng duy nhất trên cây cổ thụ để cứu mẹ. Số cánh hoa trên bông cúc trắng sẽ là số ngày còn sống còn lại của mẹ cô bé.
Sự Tích Bông Hoa Cúc Trắng
Trải qua biết bao khó khăn, cực khổ và vất vả, cuối cùng cô cũng tìm kiếm được bông hoa. Nhưng khi đến, bông hoa cúc trắng chỉ còn có 4 cành. Cô bé đã xé nhỏ từng cánh hoa đến mức không thể đếm nỗi và mẹ cô đã sống bên cô mãi mãi.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Kỳ tích nhất định sẽ xuất hiện nếu ta không bỏ cuộc.
23. Thỏ Và Rùa
Đây là câu truyện cổ tích kể về đôi bạn thân Thỏ và Rùa sống vui vẻ với nhau trong khu rừng. Tuy nhiên vì một lần cãi nhau, cả 2 đã quyết định mở cuộc thi chạy đua. Khi bắt đầu, Thỏ xuất phát nhanh như mũi tên và lao về phía trước.
Thỏ Và Rùa
Ngược lại Rùa đi rất chậm, vì chủ quan cho rằng mình đã bỏ Rùa rất xa nên Thỏ đến dưới bóng cây mát ven đường và ngủ. Dù đi chậm, nhưng Rùa nhưng vẫn cố gắng hết sức để đi về đích. Sau khi giật mình tỉnh giấc, Thỏ thấy Rùa đã đến đích. Kết quả, Thỏ thua thảm hại vì sự chủ quan của bản thân.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích Việt Nam muốn nhắn nhủ rằng con người phải siêng năng và có đức kiên trì trong cuộc sống. Không được chủ quan, xem thường và khinh địch. Chỉ cần chăm chỉ, cần cù và không bỏ cuộc, thành công ắt sẽ đến.
24. Cóc Kiện Trời
Cóc Kiện Trời là câu truyện cổ tích kể về một khu rừng đã trải qua 3 năm hạn hán và không có lấy một giọt mưa, các con vật và cây cối đều thoi thóp chờ chết. Không thể chịu được cảnh nắng nóng và hạn hán kéo dài, Cóc quyết định đi lên trời để kiện Ngọc Hoàng.
Trên đường đi, Cóc gặp nhiều con vật khác và tất cả đều đồng ý cùng nhau đi kiện Trời. Khi đến nơi, Cóc đánh trống kêu oan và phá giấc ngủ của Ngọc Hoàng.
Cóc Kiện Trời
Ngọc Hoàng vô cùng tức giận nên đã sai thần binh ra đối phó với các con vật. Cuối cùng thấy không thể chống đỡ được, Ngọc Hoàng đành thỏa hiệp và cho mưa xuống hạ giới. Kể từ đó trở về sau vào mỗi lần Cóc nghiến răng, trời sẽ đổ cơn mưa.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết và lòng quyết tâm. Dù phải đối mặt với thế lực lớn mạnh, nhưng chỉ cần giữ vững lập trường, kiên định và dũng cảm thì chắc chắn sẽ thành công, đạt được ý nguyện mong muốn.
25. Sự Tích Ba Lưỡi Rìu
Truyện cổ tích kể về anh tiều phu nghèo chỉ có tài sản quý giá nhất là chiếc rìu bằng sắt. Trong một lần đi đốn củi, anh vô tình làm rơi chiếc sắt rìu xuống sông và không thể tìm thấy.
Sự Tích Ba Lưỡi Rìu
Dù nhận được sự giúp đỡ của Bụt và có thể lấy 2 cây rìu bằng vàng và bạc, nhưng anh vẫn trung thực, chỉ nhận cây rìu bằng sắt của mình. Vì sự thật thà đó, Bụt đã quyết định tặng cả 2 cây rìu bằng vàng và bạc cho anh.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích nói lên rằng những người có đức tính trung thực sẽ luôn gặp điều tốt đẹp. Con người sống phải thật thà, không được lừa dối và tham lam, dối trá.
26. Hồ Ba Bể
Bộ truyện cổ tích Việt Nam Hồ Ba Bể bắt đầu ở một lễ hội cúng Phật cầu phúc rất lớn tại một vùng quê thuộc tỉnh Bắc Kạn. Bỗng có một bà cụ ăn xin lở loét và bốc mùi mùi hôi thối khó chịu đi đến. Ai cũng xua đuổi, xa lánh và tránh xa bà cụ. Tuy nhiên, chỉ có 2 mẹ con nông dân nghèo thấy thương tình và dắt bà cụ về nhà.
Họ còn lấy cơm cho bà ăn và cho ngủ nhờ. Tối hôm đó, chỗ ngủ của bà cụ sáng rực lên và xuất hiện một con giao long to nằm cuộn mình trên giường. Vô cùng kinh sợ, hai mẹ con đã nằm im và đến sáng. Hôm sau khi tỉnh giấc, họ thấy bà cụ đang chuẩn bị rời đi.
Hồ Ba Bể
Trước lúc ra đi bà đã nói vùng này sắp có lụt lớn và dặn dò 2 mẹ con cách để tránh nạn. Đêm hôm đó nước dâng lên cao, tất cả đều chìm trong biển nước. Duy chỉ có ngôi nhà của 2 mẹ con là bình yên. Về sau, chỗ đất bị sụp xuống được gọi là Hồ Ba Bể và ngôi nhà của 2 mẹ con trở thành chiếc gò nổi giữa hồ.
Ý nghĩa nhân văn:
Câu truyện cổ tích này ca ngợi lòng tốt bụng và nhân ái của 2 mẹ con nông dân nhà nghèo. Đồng thời thể hiện đức tính tốt đẹp, sẵn sàng giúp đỡ và cưu mang người nghèo khổ, hoạn nạn.
27. Nàng Tiên Ốc
Nàng Tiên Ốc là câu truyện cổ tích kể về một bà cụ nhà nghèo sống đơn độc trong căn nhà và trang trải cuộc sống bằng việc ngày ngày ra đồng mò cua bắt ốc. Tình cờ, hôm nọ bà bắt được một con ốc có vỏ ngoài rất đẹp. Không nỡ bán đi, bà đã đem về nhà và thả ốc vào chum nước.
Kể từ đó trở đi, mỗi lần về nhà bà đều thấy ai đó đã giúp bà làm hết mọi việc. Vì thấy lạ, ngày hôm sau bà đã giả vờ đi làm như mọi ngày và đi được nửa đường thì quay trở về tìm chỗ nấp.
Nàng Tiên Ốc
Bà muốn nhìn xem ai đã giúp mình làm những việc trên. Bỗng bà trông thấy một cô gái xinh đẹp như tiên giáng trần bước ra từ trong chum nước. Bà liền đến bên chum đập vỡ vỏ ốc ra thành từng mảnh.
Cô gái giật mình và vội vàng quay lại chum nước để chui vào vỏ ốc, nhưng đã quá muộn. Bà cụ gọi cô gái bằng con và nói với cô rằng hãy ở lại với mẹ. Từ đó về sau, 2 mẹ con sống hạnh phúc cùng nhau đến cuối đời.
Ý nghĩa nhân văn:
Qua câu truyện cổ tích trên muốn nhắn nhủ rằng chúng ta phải quý trọng tình cảm giữa người với người, sống phải biết yêu thương nhau. Nếu cứu vật, vật sẽ mang ơn, trung thành và giúp đỡ chúng ta.
28. Quả Bầu Tiên
Truyện cổ tích Quả Bầu Tiên kể về cậu bé nhà nghèo nhưng tốt bụng và rất có lòng yêu thương động vật. Vì giúp đỡ và chăm sóc cho chú chim én nhỏ bị gãy cánh, cậu đã được nó báo đáp bằng một hạt bầu.
Ngày ngày cậu bé đều tưới nước và chăm sóc cho cây bầu. Dây bầu lớn nhanh như thổi và ra hoa kết quả vô cùng tươi tốt. Nhưng kỳ lạ thay, cả một dây bầu chỉ cho đúng một quả và quả càng ngày càng lớn.
Quả Bầu Tiên
Đến ngày thu hoạch, cậu bổ quả bầu ra thì thấy bên trong toàn là vàng bạc châu báu. Nghe tin, tên địa chủ liền đi đến lân la dò hỏi rồi bắt chước làm theo. Nhưng cuối cùng, hắn đã bị cắn chết vì bên trong quả bầu toàn rắn rết.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích cho ta bài học quý giá rằng chỉ khi yêu thương và chăm sóc động vật bằng cả tấm lòng mới có thể nhận được sự đền đáp xứng đáng. Ngược lại những người tham lam, ác độc và xấu xa sẽ phải nhận kết cục thê thảm.
29. Bảy Điều Ước
Truyện cổ tích kể về 2 anh em mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Người em hiền lành và chăm chỉ làm việc, còn người anh lúc nào cũng lười biếng, ham chơi và rượu chè cờ bạc. Vì cứu giúp cô tiên nên người em đã được tặng 7 điều ước.
Với tính tình tốt bụng, người em đã dành tặng cho anh 4 điều ước và giữ lại cho mình 3 điều. Nhưng do bản tính tham lam, người anh đã phải trả một giá thật đắt đó là cái chết.
Bảy Điều Ước
Còn người em vì thương anh mình nên đã dùng điều ước cuối cùng để cứu anh. Sau biến cố, người anh đã thay tâm đổi tính và cùng em phấn đấu làm ăn. Cả 2 anh em đều cưới được 2 cô vợ xinh đẹp, hiền dịu và cùng nhau sống hạnh phúc cả đời.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện cổ tích muốn truyền tải thông điệp rằng chỉ cần hiền lành và sống tốt, mọi việc sẽ thành công. Chỉ có không ngừng cố gắng lao động mới mang về thành quả tốt đẹp trong cuộc sống.
30. Truyện cổ tích Cây Bút Thần
Câu truyện cổ tích Cây Bút Thần kể về cậu bé Mã Lương mồ côi cha mẹ. Tuy nhà nghèo nhưng cậu rất thích học vẽ và ao ước có được một cây bút để vẽ. Khi được thần tiên ban tặng cho cây bút thần, Mã Lương vẽ vật nào sẽ biến thành vật thực.
Nghe vậy, tên địa chủ liền bắt Mã Lương vẽ theo ý hắn nhưng cậu kiên quyết không làm theo. Vì làm trái ý địa chủ, cậu đã bị trừng phạt và bỏ đi nơi khác sinh sống. Nhưng sóng gió lại ập đến khi nhà vua biết tin và bắt Mã Lương vẽ theo ý mình.
Cây Bút Thần
Do không đồng ý, cậu đã bị bắt giam vào lao ngục. Nhà vua đã cướp bút thần nhưng vẽ bất thành. Sau đó, Mã Lương giả vờ đồng ý và vẽ biển, vẽ sóng để trừng trị tên hôn quân tham lam kia. Cuối cùng, Mã Lương trở về với dân làng và dùng tài năng của mình để giúp đỡ những người nghèo khổ trong làng.
Ý nghĩa nhân văn:
Truyện truyện cổ tích thể hiện quan niệm về công lý trong xã hội, kẻ tham lam và độc ác sẽ bị trừng trị thích đáng. Truyện còn gửi thông điệp rằng nếu có đam mê, hãy cố gắng nỗ lực và nuôi dưỡng tài năng để phát huy nó một cách tốt nhất.
31. Anh Học Trò Và 3 Con Quỷ
32. Tích Chu
33. Dê Đen Và Dê Trắng
34. Hòn Vọng Phu
35. Hoa Ngọc Lan
Truyện cổ tích Việt Nam là mạch nguồn mát lành, trong trẻo và sâu thẳm của văn học dân gian. Những câu truyện ấy chính là suối nước đã tưới mát tâm hồn biết bao thế hệ. Thông qua đó, ta có thể hiểu hơn về nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc và nuôi dưỡng nhân cách con người ngày một tốt hơn.
Hy vọng qua bài viết trên của Coolmate, mọi người sẽ biết thêm nhiều câu truyện cổ tích Việt Nam thú vị. Từ đó để làm đầy thêm cẩm nang sống của mình với vô vàn chân lý được rút ra. Cuối cùng, đừng quên ghé nhà CoolBlog thường xuyên để đón đọc thêm hàng triệu điều hay ho khác nữa nhé!
Coolmate - Nơi mua sắm đáng tin cậy dành cho nam giới!
TOP 30+ truyện ngôn tình Trung Quốc hay nhất không thể bỏ qua Top 10+ bộ truyện kiếm hiệp hay nhất hiện nay không thể rời mắt Tổng hợp 20 truyện tiên hiệp full hay nhất