Phù du động vật có tuổi thọ kém nhất thế giới
Phu du được nhiều người ví von như những chấm nhỏ sinh sôi khắp đại dương. Song, có một điều mà không phải ai cũng biết, đó là phù du còn là động vật có tuổi thọ vô cùng khiêm tốn.
Đời sống ngắn ngủi của phù du
Dù khoa học - kỹ thuật ngày nay đã phát triển đến một trình độ nhất định; song, công việc tìm ra chính xác động vật nào có tuổi thọ ngắn nhất chưa bao giờ là dễ dàng bởi thời gian sinh sống ít ỏi của chúng là điều cản trở lớn nhất đối với các nhà khoa học. Quan trọng hơn, thế giới đại dương vẫn còn ẩn giấu quá nhiều bí ẩn và do đó, còn rất nhiều sinh vật biển chưa được biết đến ngoài tự nhiên.
Đến nay, xuất hiện nhiều thông tin về việc phù du (Ephemeroptera) đang là ứng viên nặng ký cho danh hiệu động vật có tuổi thọ kém nhất.
Phù du là loại côn trùng đã xuất hiện từ hơn 300 triệu năm trước và được ghi nhận có khoảng hơn 3000 loài khác nhau. Chúng được nhận diện bởi thân hình bé nhỏ, yếu ớt với cái đầu nhỏ, mắt to, cánh màng rất yếu nên dễ bị rụng cùng những cái chân rất nhỏ, không dùng để di chuyển mà chỉ để đậu và bám.
Chúng ta có thể tóm gọn vòng đời của phù du như sau: Ban đầu, nhóm côn trùng thủy sinh nở ra từ trứng rồi trở thành thiếu trùng (nymph) và sống dưới nước tới hai năm. Sau đó, chúng phát triển cánh cho những giai đoạn cuối cùng của vòng đời gần thành trùng (subimago) và thành trùng (imago) để giao phối. Có thể nói, giao phối là một trong những mục đích hay nói đúng hơn là sứ mệnh lớn lao của một phù du.
Trên thực tế, có không ít loài phù du có thể sống gần một ngày (tức gần 24 giờ) ở dạng có cánh, nhưng cũng có một số loài chỉ tồn tại vỏn vẹn vài phút.
Sau nhiều khảo sát, theo Cổng thông tin Đa dạng sinh học của Cơ quan Tài nguyên thiên nhiên Georgia thì loài phù du đào hang cát Mỹ (Dolania Americana) là phù du có thời gian sống trưởng thành ngắn nhất. Trước khi tới giai đoạn trưởng thành, loài phù du này từng sống tới hai năm ở dạng thiếu trùng nhưng cuối cùng con đực sống chưa đầy một tiếng, còn con cái chỉ có 5 phút để sinh sản trước khi chết.
Phù du: Một loài động vật kiên cường
Bắt nguồn từ đời sống chóng vánh của loài phù du mà nhiều người đã đặt cho chúng một số cái tên khác như con thiêu thân hay con vật vờ.
Không gian sống của những con phù du rất đa dạng, chúng thường chuyển từ sống dưới nước tới sống trên đất và không khí ở giai đoạn gần thành trùng, sau đó sinh sản ở giai đoạn thành trùng. Điều cần lưu ý là thời điểm này, phù du không hề có miệng hay hệ tiêu hóa mà chỉ sống nhờ năng lượng dự trữ khi còn là thiếu trùng.
Loài phù du có hình dáng bên ngoài khá yếu đuối
Nếu xét cả một vòng đời thì giai đoạn phù du ấu trùng là lúc phù du sống khá lâu. Lúc này, chúng thường vũ hóa sau lúc mặt trời lặn thành bướm non. Ngoại hình của chúng cũng đã bắt đầu giống với phù du trưởng thành, nhưng vẫn còn một lớp màng mờ bao bọc toàn thân màu đen, cánh sẫm, không linh hoạt và không giao phối được.
Sau khi bướm non lột xác, chúng chính thức trở thành phù du trưởng thành. Đặc điểm khắc nghiệt nhất ở quãng thời gian này là chúng không còn năng lượng dự trữ và cũng không ăn uống gì. Nguyên nhân là bởi miệng của nó đã thoái hóa và thêm nữa, chúng chỉ tập trung vào sứ mệnh giao phối và đẻ trứng của mình.
Điều này được thể hiện qua việc loài phù du không có một hệ tiêu hóa phức tạp để cơ thể con cái có thể mang được nhiều trứng hơn. Thậm chí, ở một số con phù du cái thì trứng còn có ở trên đầu. Theo nhiều nhà khoa học, đây chính là nỗ lực để tận dụng hiệu quả cuộc sống trưởng thành ngắn ngủi của kiếp phù du.
Sau khi đẻ trứng vào nước, cái chết là thứ đón đợi loài phù du. Thế nhưng không có điều gì chắc chắn đảm bảo sự an toàn cho những ấu trùng phù du mới chào đời. Bởi những kẻ săn mồi dường như luôn chực chờ khoảnh khắc ấy để thủ tiêu chúng. Cũng vì lý do này mà phù du ở tuổi trưởng thành thường đẻ đến khoảng 10.000 trứng.