Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Cách phân biệt phương thức biểu đạt, vô cùng hữu ích dành cho các bạn học sinh.
Mong rằng tài liệu này sẽ giúp các bạn có hiểu rõ hơn về các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.
Cách phân biệt phương thức biểu đạt
- I. Cách xác định phương thức biểu đạt
- 1. Tự sự
- 2. Miêu tả
- 3. Biểu cảm
- 4. Thuyết minh
- 5. Nghị luận
- 6. Hành chính - công vụ
- II. Hướng dẫn xác định phương thức biểu đạt
- III. Bài tập ôn luyện thêm
I. Cách xác định phương thức biểu đạt
1. Tự sự
- Các thể loại: bản tin báo chí, bản tường thuật, tường trình, tác phẩm văn học (truyện, tiểu thuyết).
- Đặc điểm nhận biết:
- Nhân vật
- Cốt truyện, sự kiện.
- Trình tự kể: theo thời gian, không gian, tâm tưởng, kết hợp thời gian, không gian…
- Phương thức trần thuật (ngôi kể): thứ nhất (người kể xưng tôi), ngôi kể thứ ba…
2. Miêu tả
- Thể loại: Văn bản tả cảnh, tả người…
- Dấu hiệu nhận biết:
- Sử dụng nhiều động từ, tính từ, các biện pháp tu từ.
- Thường có những câu văn diễn tả hình dáng bên ngoài, hay thế giới nội tâm của con người; hoặc tái hiện lại cảnh vật, đặc điểm sự vật.
3. Biểu cảm
- Các thể loại: điện mừng, thăm hỏi, chia buồn, thơ ca.
- Đặc điểm nhận biết:
- Có nhiều từ ngữ thể hiện cảm xúc, thái độ của người viết hoặc của nhân vật trữ tình.
- Mang đậm dấu ấn chủ quan của người viết.
4. Thuyết minh
- Thể loại: Thuyết minh về tác giả, danh lam thắng cảnh…
- Dấu hiệu nhận biết:
- Ngôn ngữ sáng rõ, cụ thể, trong sáng, câu văn gãy gọn, có thể sử dụng các biện pháp tu từ (so sánh, liệt kê…)
- Thường trình bày về cấu tạo, thuộc tính, ích lợi, tác hại… của một sự vật hoặc hiện tượng.
5. Nghị luận
- Các thể loại: hịch, cáo, chiếu, biểu; xã luận, bình luận, lời kêu gọi, sách lí luận; tranh luận về một vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa…
- Đặc điểm nhận dạng:
- Bao gồm luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng
- Bố cục chặt chẽ, lập luận thuyết phục.
6. Hành chính - công vụ
- Các thể loại: đơn từ, báo cáo, đề nghị, quy định…
- Đặc điểm nhận dạng gồm có các thể loại: Gồm các phần sau:
- Quốc hiệu tiêu ngữ
- Địa điểm, ngày tháng làm văn bản
- Họ tên, chức vụ của người nhận hay cơ quan nhận văn bản
- Họ tên, chức vụ của người gửi hay tên cơ quan, tập thể gửi văn bản
- Nội dung thông báo, đề nghị, báo cáo
- Chữ ký, họ tên người gửi văn bản
II. Hướng dẫn xác định phương thức biểu đạt
- Bước 1: Đọc kĩ văn bản cần xác định.
- Bước 2: Xác định thể loại của văn bản.
- Bước 3: Tìm các dấu hiệu nhận biết điển hình của các phương thức biểu đạt.
- Bước 4. Kết luận phương thức biểu đạt.
Chú ý: Trong thực tế, rất nhiều văn bản sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt. Khi đó, người đọc cần chú ý để tránh nhầm lẫn các phương thức biểu đạt chính.
III. Bài tập ôn luyện thêm
Xác định phương thức biểu đạt của các văn bản sau:
a.
“Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta”
(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)
b. “Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”
(Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh)
c. “Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển ửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông.”
(Cô Tô, Nguyễn Tuân)
d.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
BIÊN BẢN CUỘC HỌP SƠ KẾT CUỐI NĂM HỌC
Thời gian:...
Địa điểm: Lớp... Phòng học… Trường…
Thành phần tham dự: Cô giáo chủ nhiệm lớp…, Ban cán sự lớp… và … thành viên lớp…
Nội dung cuộc họp:
- Phần 1: Tổng kết lại thành tích học tập rèn luyện cuối năm.
- Phần 2: Khen thưởng các học sinh có kết quả học tập và rèn luyện tốt
- Phần 3: Mục tiêu trong năm học sắp tới.
Cuộc họp kết thúc vào: … giờ… ngày… tháng… năm…
Thư ký
(Ký và ghi rõ họ tên)
e. “Nam Cao sinh năm 1917 mất năm 1951, tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh ra trong một gia đình nông dân. Quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của văn học Việt Nam.”
g. “Người buồn nhất là Lang Liêu. Chàng là con thứ mười tám; mẹ chàng trước kia bị vua cha ghẻ lạnh, ốm rồi chết. So với anh em, chàng thiệt thòi nhất. Những anh em của chàng sai người đi tìm của quý trên rừng, dưới biển. Còn chàng, từ khi lớn lên, ra ở riêng chỉ chăm lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai; bây giờ nhìn quanh trong nhà cũng chỉ có khoai, lúa là nhiều. Nhưng khoai, lúa tầm thường quá!”
(Bánh chưng, bánh giầy)
Gợi ý:
a. Biểu cảm
- Thể loại: thơ ca
- Nhiều từ ngữ bộc lộ cảm xúc: thương, nhớ
b. Nghị luận
- Thể loại: Lời kêu gọi
- Đưa ra các lí lẽ rõ ràng, lập luận sắc bén: “Chúng ta muốn hòa bình… càng lấn tới”.
c. Miêu tả
- Thể loại: Kí
- Sử dụng nhiều tính từ, biện pháp tu từ để miêu tả thiên nhiên Cô Tô.
d. Hành chính
- Thể loại: báo cáo
- Gồm đầy đủ các phần: quốc hiệu tiêu ngữ, địa điểm…
e. Thuyết minh
- Cung cấp các thông tin về nhà văn Nam Cao.
- Ngôn ngữ chính xác, dễ hiểu.
g. Tự sự
- Thể loại: truyền thuyết
- Có nhân vật (Lang Liêu), ngôi kể (thứ ba)...